Năm mới Giáp Ngọ đã sang ngày thứ 3, thời gian nghỉ tết vẫn còn khá dài, nhưng tình hình tai nạn giao thông vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Nếu như ngày mùng 2 tết, cả nước xảy ra 66 vụ tai nạn giao thông, làm 17 người thiệt mạng thì sang mùng 3 tết (2-2 dương lịch), số vụ tai nạn đã tăng thêm 11 vụ và thêm 11 người chết.
Năm mới Giáp Ngọ đã sang ngày thứ 3, thời gian nghỉ tết vẫn còn khá dài, nhưng tình hình tai nạn giao thông vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Nếu như ngày mùng 2 tết, cả nước xảy ra 66 vụ tai nạn giao thông, làm 17 người thiệt mạng thì sang mùng 3 tết (2-2 dương lịch), số vụ tai nạn đã tăng thêm 11 vụ và thêm 11 người chết. 77 vụ tai nạn giao thông trong ngày mùng 3 tết đã cướp đi sinh mạng của 28 người và làm bị thương 75 người; trong đó, đường bộ xảy ra 76 vụ, làm chết 27 người, bị thương 75 người; đường sắt xảy ra 1 vụ làm chết 1 người.
Ảnh minh họa |
Tính chung trong 6 ngày nghỉ tết (từ ngày 28 tết đến mùng 3 tết), cả nước xảy ra 367 vụ tai nạn giao thông, làm chết 163 người, bị thương 388 người. So với cùng kỳ năm 2013, tai nạn giao thông tăng về số vụ và số người bị thương nhưng giảm số người chết. Toàn quốc không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Trong ngày mùng 3 tết, đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhận được gần 30 lượt phản ánh về tình trạng xe chạy tuyến Mỹ Đình đi Thanh Sơn (Phú Thọ), Hà Nội đi Quảng Ninh tăng giá vé quá cao, một số xe chở vượt số người quy định, chèn ép khách. Thanh tra giao thông tỉnh Tuyên Quang đã xử lý xe khách biển kiểm soát 30M8 - 9848 chạy tuyến Tuyên Quang - Na Hang do tăng giá vé gấp 3 lần, nhà xe đã trả lại tiền và xin lỗi hành khách. Lực lượng chức năng cũng đã xử lý một xe 24 chỗ ngồi chạy tuyến Lộc Ninh – TP.Hồ Chí Minh trên quốc lộ 13 phóng nhanh, tranh giành hành khách. Các thông tin phản ánh của người dân đến đường dây nóng của ủy ban đều được chuyển đến lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trực tiếp xử lý.
Mùng 3 Tết, mật độ các phương tiện tham gia giao thông cao hơn mùng 1 và mùng 2, tuy nhiên gần như không xảy ra tình trạng ùn tắc. Song, tình trạng người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, kẹp 3, kẹp 4, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, không chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông, tình trạng say rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây mất an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến ở cả nông thôn và các thành phố.
Chu Thanh Vân