(ĐN)- Nhân kỷ niệm 248 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa Nguyễn Du (1765- 2013), sáng 14-12, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã tổ chức buổi sinh hoạt "Nguyễn Du, cuộc đời và sự nghiệp".
(ĐN)- Nhân kỷ niệm 248 năm Ngày sinh Danh nhân văn hóa Nguyễn Du (1765- 2013), sáng 14-12, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã tổ chức buổi sinh hoạt “Nguyễn Du, cuộc đời và sự nghiệp”.
Ban tổ chức tặng hoa cho các đại biểu có mặt trong buổi sinh hoạt. |
Hơn 120 giáo viên và học sinh của 2 Trường THPT Nam Hà và Lê Qúy Đôn đã được nghe Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyết, Phó giám đốc Sở Văn hóa- thể thao và du lịch trình bày về tiểu sử, cuộc đời hoạt động và những đóng góp của Danh nhân văn hóa Nguyễn Du đối với đất nước.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyết, Phó giám đốc Sở Văn hóa- thể thao và du lịch trình bày về cuộc đời và sự nghiệp của Danh nhân văn hóa Nguyễn Du. |
Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu (1765) trong một gia đình đại quý tộc, có thế lực vào bậc nhất đương thời. Năm mười tuổi, ông mồ côi cha, mười hai tuổi mồ côi mẹ. Năm 1783, Nguyễn Du mười tám tuổi đi thi hương ở Sơn Nam, đậu Tam trường. Năm 1802, Triều Gia Long, Nguyễn Du được bổ làm Tri huyện Phù Dung (thuộc Khoái Châu, Sơn Nam, nay là tỉnh Hưng Yên), rồi Tri phủ Thường Tín. Năm 1803, ông được cử lên cửa Nam Quan tiếp sứ thần Trung Quốc. Năm 1813, Nguyễn Du thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Sau khi về nước, năm 1815 ông được thăng Hữu Tham tri Bộ Lễ. Năm 1820 Minh Mệnh lên ngôi, định cử ông làm Chánh sứ sang Trung Quốc lần nữa, nhưng chưa kịp đi thì ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (năm 1820) ông mất.
Nguyễn Du để lại hậu thế một kho tàng thơ ca phong phú với nhiều tập thơ được người đời sau đánh giá cao, như: Thanh hiên thi tập (78 bài); Nam trung tạp ngâm (40 bài); Bắc hành tạp lục (131 bài),… và đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều.
Bên cạnh sinh hoạt chuyên đề, trong chương trình còn diễn ra các trò chơi liên quan đến biển đảo quê hương, tìm hiểu các sáng tác của Nguyễn Du, về Văn miếu Trấn Biên cũng được lồng ghép vào chương trình.
Văn Truyên