Ngày 25/12, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.
Ngày 25-12, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.
Theo đó, Chính phủ đã nghe báo cáo, thảo luận, cho ý kiến đối với 5 dự án luật là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Luật Nhà ở (sửa đổi).
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TTXVN) |
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề cơ bản giữ nguyên kết cấu, thực hiện sửa đổi 28 điều, bổ sung 06 điều và một mục (điều 3); bỏ 5 điều và chương IX (04 điều) trên tổng số 92 điều của Luật Dạy nghề.
Nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật tập trung chủ yếu vào 03 nhóm vấn đề là sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy nghề theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI); vấn đề được sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập của Luật hiện hành và nhóm vấn đề được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các luật khác.
Các thành viên Chính phủ đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào những vấn đền còn có ý kiến khác nhau trong Dự án Luật liên quan đến việc thi và cấp bằng tốt nghiệp (điều 16, điều 23, điều 30, điều 33a); về miễn, giảm học phí học nghề (điều 65); về dạy nghề gắn với doanh nghiệp (điều 55, điều 56).
Khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ cho rằng việc xây dựng dự án Luật này thay thế cho Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành phải điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến kinh doanh bất động sản, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Kinh doanh bất động sản với các đạo luật khác có liên quan như Bộ Luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư,...
Cùng với đó, các ý kiến đề nghị luật mới phải kế thừa, phát triển những ưu điểm, những quy định còn phù hợp, đang phát huy hiệu quả đồng thời phải bổ sung các quy định mới cho đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản nói chung và hoạt động kinh doanh bất động sản nói riêng phát triển hiệu quả, ổn định, công khai, minh bạch.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có 9 chương và 125 điều (kết cấu Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành có 11 chương và 141 điều).
Thảo luận về dự án Luật này, các thành viên Chính phủ tập đã trung đóng góp ý kiến vào những vấn đền còn có ý kiến khác nhau liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; điều kiện về tuổi đời hưởng hương hưu; tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; bảo hiểm xã hội một lần;...
Liên quan đến Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, các thành viên Chính phủ đã khẳng định sự cần thiết phải xây dựng Dự án Luật này, đồng thời cho rằng Dự án Luật phải đảm bảo các yêu cầu như: đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế nói chung và ngành giao thông vận tải, ngành hàng không dân dụng nói riêng phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay và những năm tới.
Trong tổng số 202 điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 46 điều ở các Chương I, II, III, V, VI, VII, VIII và IX, chiếm 22,8% tổng số điều của Luật.
Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã nêu lên 5 quan điểm xây dựng dự án Luật này, trong đó quan điểm đầu tiên được nhấn mạnh là phải thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực phát triển nhà ở, tạo môi trường thuận lợi để phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân và có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường.
Dự án Luật cũng quan tâm phát triển nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước để phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp khó khăn về nhà ở nhưng không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và người dân.
Một quan điểm mới đáng chú ý nữa trong sửa đổi Luật Nhà ở lần này là mở rộng đối tượng và điều kiện người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để huy động các nguồn lực về vốn, công nghệ, kinh nghiệm phục vụ cho phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, Dự án Luật Nhà ở sửa đổi tập trung vào 10 nhóm nội dung, trong đó có bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng đúng quy hoạch và kế hoạch đã được phê duyệt nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phát triển nhà ở tràn lan theo kiểu phong trào, gây mất cân đối, lệnh pha cung cầu như trong những năm vừa qua.
Các thành viên Chính phủ cũng tập trung thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến thời điểm chuyển quyền và thời hạn sở hữu nhà ở cũng như định hướng thành lập định chế tài chính chuyên biệt cho phát triển nhà ở và khuyến khích mở rộng cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ cũng như ý kiến đóng góp của lãnh đạo các Bộ, ngành, chuyên gia,... để sớm hoàn thiện các dự án Luật nêu trên./.
(TTXVN)