(ĐN)- Chiều 19-11, tại thủ đô Paris (Pháp), Việt Nam đã chính thức được Đại hội đồng lần thứ 19 các quốc gia thành viên Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (gồm 160 nước) bỏ phiếu tín nhiệm bầu cử là một trong 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới (nhiệm kỳ 2013 – 2017).
(ĐN)- Chiều 19-11, tại thủ đô Paris (Pháp), Việt Nam đã chính thức được Đại hội đồng lần thứ 19 các quốc gia thành viên Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (gồm 160 nước) bỏ phiếu tín nhiệm bầu cử là một trong 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới (nhiệm kỳ 2013 – 2017). Đây là một Ủy ban chuyên môn quan trọng nhất của UNESCO có quyền quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới việc công nhận các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đánh giá tình trạng bảo tồn các di sản thế giới trên toàn cầu; quyết định về chủ trương, đường lối, cũng như định hướng phát triển của Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (gọi tắt là Công ước Di sản thế giới).
Việt Nam tham gia Công ước Di sản thế giới từ năm 1987 và đến nay đã có 7 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, phải sau 26 năm sau, Việt Nam mới lần đầu tiên được bầu vào Ủy ban quan trọng này. Để có được thành công nói trên, trước hết phải kể đến nỗ lực của Việt Nam trong việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn những giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực của các Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới không chỉ của riêng Việt Nam mà còn là của toàn nhân loại những năm qua. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức nhiều sự kiện, nhiều hội thảo, tập huấn quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo vệ di sản. Nhờ đó, đến nay Việt Nam đã sở hữu một đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn di sản, có đủ năng lực để đảm trách được các nhiệm vụ chuyên môn khi tham gia là Thành viên của Ủy ban Di sản thế giới.
Để tăng cường thúc đẩy sự phát triển của Công ước Di sản thế giới, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tích cực đóng góp vào việc bảo vệ vững chắc giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực của các Di sản Thế giới trên lãnh thổ Việt Nam; trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ các quốc gia thành viên, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và các nước đang phát triển có nhu cầu trong công tác quản lý, bảo vệ di sản thế giới, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến khích sự đóng góp của các cơ quan, địa phương liên quan, cộng đồng cùng chung sức vào công tác bảo tồn di sản.
ThS. Nguyễn Viết Cường – Cục Di sản văn hóa
(đưa tin từ Paris, Cộng hòa Pháp)