Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng 4-11, các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng 4-11, các đại biểu làm việc ở Hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) |
* Nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh của dự án luật
Thể hiện sự đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), Siu Hương (Gia Lai) cho rằng: dự án luật chỉ nên tập trung quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước. Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân có quy định mang tính nguyên tắc để điều chỉnh có trọng tâm, tập trung vào những lĩnh vực, hoạt động dễ xảy ra lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng.
Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), cần bỏ quy định thực hành tiết kiệm chống lãng phí đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bởi việc thực hành tiết kiệm của mỗi cá nhân do mỗi cá nhân quyết định, phù hợp với Bộ Luật Dân sự, Nhà nước chỉ có thể vận động, khuyến khích chứ không nhất thiết phải quy định trong luật.
Với lập luận "Quy định pháp luật phải là những quy định cứng và có chế tài xử lý khi đối tượng vi phạm, vì vậy nếu quy định mang tính nguyên tắc mà không có chế tài xử lý, có thể dẫn đến tác động ngược, làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, đại biểu Đỗ Văn Vẻ dẫn chứng: Tình trạng lãng phí trong hoạt động ma chay, cưới hỏi... của một số người dân là có thực, xảy ra trong nhiều năm song pháp luật cũng không thể can thiệp hoặc truy cứu trách nhiệm đối với người lãng phí nếu họ không xâm phạm đến tiền, tài sản của tổ chức, tài sản nhà nước. Vì vậy, việc thực hành tiết kiệm của nhân dân chỉ nên là việc vận động, thông qua các hình thức, phương pháp phù hợp.
Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) lại cho rằng, dự án luật cần điều chỉnh cả hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí trong đời sống của cộng đồng dân cư bởi “thực hành tiết kiệm là quốc sách. Đã là quốc sách, ở lĩnh vực nào, người nào, ngành nào cũng phải tiết kiệm, chống lãng phí dù đó là tài sản của nhà nước, hay công dân, doanh nghiệp” - Đại biểu Trương Thái Hiền nhấn mạnh.
* Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra lãng phí
Dành nhiều sự quan tâm đối với trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp không xử lý hành vi tham nhũng, nhiều đại biểu cho rằng, dự án luật mới chỉ quy định mang tính chung chung, chưa đưa ra chế tài xử lý. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chỉ rõ: Ở nước ta, việc ra quyết định là do cá nhân nhưng hình thức là tập thể vì thế khi xảy ra vấn đề, tập thể chịu trách nhiệm, tức là không có ai chịu trách nhiệm. Cơ quan này lại đổ lỗi cho cơ quan kia. Vì vậy, đã đến lúc cần xác định trách nhiệm của cá nhân rõ ràng đối với người có thẩm quyền ra quyết định. Đại biểu Kim Thúy đề nghị dự án luật cần bổ sung quy định trách nhiệm người có trách nhiệm ra quy định gây lãng phí, bởi đây là việc cần làm kiên quyết, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.
Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) chỉ rõ: dự án luật cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong đầu tư thiếu đồng bộ gây lãng phí, thất thoát bởi tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Đại biểu kiến nghị bổ sung quy định người đứng đầu ra quyết định đầu tư thiếu đồng bộ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quy định rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành cơ quan khi thực hiện nhiệm vụ thiếu sự chủ động trong phối hợp hoạt động với các cơ quan có liên quan gây ra lãng phí.
Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị dự án luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc xây dựng chế độ định mức tiêu chuẩn không phù hợp gây lãng phí bởi hành vi này gây hậu quả lớn nhưng khó xác định, cần có quy định pháp lý để xử lý.
Theo đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai), dự án luật không nên quy định mức "miễn trách nhiệm pháp lý" đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong trường hợp "đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi lãng phí; xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi lãng phí". Đại biểu cho rằng nếu quy định "miễn trách nhiệm pháp lý" sẽ làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật, thiếu tính răn đe, khó khắc phục được tình trạng để xảy ra sai phạm nhưng không bị xử lý. Do vậy chỉ nên quy định "giảm trách nhiệm pháp lý" là đủ.
* Tăng cường sự giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tán thành với quy định "công dân có quyền giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua hình thức dân chủ trực tiếp, gián tiếp; phát hiện và kịp thời phản ánh cho cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi gây lãng phí", tuy nhiên, đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) cho rằng, dự án luật cần quy định rõ các hình thức dân chủ trực tiếp, gián tiếp để bảo đảm tính phổ thông và dễ hiểu để mọi người dân đều nắm được. Đại biểu đề nghị dự án luật cần bổ sung thêm nội dung quy định thời hạn trả lời bởi "nếu luật không quy định cụ thể về thời hạn có thể dẫn đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị kéo dài thời gian, quên hoặc cố tình quên việc trả lời người phát hiện. Điều này sẽ làm giảm lòng tin của người tham gia chóng lãng phí" - đại biểu Lù Thị Lừu nêu ý kiến.
Theo đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình), giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí là quyền của công dân chứ không nên quy định là trách nhiệm, bởi khi đã xác định là trách nhiệm, khi không thực hiện trách nhiệm đó phải chịu chế tài nhất định. Việc quy định trách nhiệm đối với người dân là rất khó xác định nếu người dân không thực hiện quyền và trách nhiệm của mình.
Băn khoăn về quy định giám sát việc thực hành tiết kiệm của nhân dân còn quá chung chung, khó phát huy hiệu quả, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đặt vấn đề: Việc mua sắm chi tiêu của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp là hoạt động mang tính chất nội bộ, người dân khó có thể tiếp cận được nguồn thông tin này. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn quyền của người dân trong việc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, dự án luật cũng cần có quy định về quy trỉnh tiếp cận thông tin, giới hạn thông tin, quy trình giám sát, tố cáo, phản hồi thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị...
Đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí trong việc phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí, các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) kiến nghị dự án luật cần có quy định về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí./.
Phúc Hằng