Với 85,34% đại biểu tán thành, chiều 27-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền và công an địa phương...
Với 85,34% đại biểu có mặt tán thành, chiều 27-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó, lãnh đạo chính quyền và công an địa phương phải chịu trách nhiệm trong phòng chống tội phạm.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm |
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội ghi nhận các giải pháp mà Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đề ra, đồng thời yêu cầu tăng cường các biện pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng và đạt được những mục tiêu cụ thể.
[links(left)]Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội và áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm; chỉ đạo phối hợp chặt chẽ các lực lượng tấn công trấn áp, truy quét các loại tội phạm; tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; làm giảm các loại tội phạm đang gia tăng như giết người do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, ma túy, các tội phạm chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trốn thuế, tội phạm cho vay lãi nặng. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng giáo dục đạo đức trong nhà trường, gia đình, xã hội; giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại cơ sở, địa bàn dân cư, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tạo sự chuyển biến rõ rệt trong bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Người đứng đầu chính quyền và cơ quan Công an các địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn; không để xảy ra tội phạm lộng hành, các trường hợp bao che tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; không để hình thành các tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm gây bức xúc trong dư luận.
Công an các cấp tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp chặt chẽ với phòng ngừa xã hội; triệt phá các tụ điểm phức tạp về hình sự, ma túy; giảm tỷ lệ tái phạm tội, giảm số đối tượng bắt truy nã còn ở ngoài xã hội.
Đại biểu Trương Văn vở (Đồng Nai) phát biểu thảo luận tại hội trường |
Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2012-2016 và Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và trong lĩnh vực quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm kinh tế, tham nhũng, thu hồi tiền và tài sản bị chiếm đoạt.
Người đứng đầu, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, không kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; chịu trách nhiệm về những trường hợp xử lý hành chính, kỷ luật không đúng quy định pháp luật để lọt tội phạm, bao che cán bộ do mình quản lý có hành vi tham nhũng.
Hằng năm, Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng; nêu rõ các bộ, ngành, địa phương làm tốt và chưa tốt.
Trong năm 2014, Chính phủ ban hành hướng dẫn chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xác định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; ban hành, sửa đổi, bổ sung quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, tài chính, kế toán, ngân hàng, xây dựng để phục vụ hiệu quả hoạt động tố tụng; hướng dẫn việc bảo vệ, biểu dương, khen thưởng người tố giác tội phạm, việc xử lý các hành vi trả thù người tố giác tội phạm, tố cáo tham nhũng.
Thời gian còn lại của phiên làm việc, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật đầu tư công. Trong đó, phần lớn các ý kiến thảo luận tập trung vào các nội dung như: Phạm vi điều chỉnh của Luật và mối quan hệ với các luật khác; Nguyên tắc quản lý đầu tư công; Chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư công; Sự công khai, minh bạch các chương trình, dự án đầu tư công; Kế hoạch đầu tư trung hạn; Giám sát đầu tư của cộng đồng; Trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể liên quan đến đầu tư công; Quản lý nhà nước về đầu tư công…
Theo Chương trình, sáng mai 28-11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp ; Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp. Nội dung quan trọng này sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
P.V (Tổng hợp)