(ĐN)- Ngày 23-11, Bộ môn Tâm lý học Trường đại học KHXH& NV TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp với Hội Khoa học tâm lý–giáo dục Đồng Nai tổ chức hội thảo khoa học "Nghiện internet- Những thách thức mới của xã hội hiện đại".
(ĐN)- Ngày 23-11, Bộ môn Tâm lý học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH& NV) TP.Hồ Chí Minh và Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Đồng Nai đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Nghiện internet- Những thách thức mới của xã hội hiện đại”.
Người trẻ truy cập internet ở mọi lúc, mọi nơi |
Tại hội thảo, 18 tham luận đã được trình bày bởi các thạc sĩ tâm lý, giảng viên đại học. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự lo lắng về thực trạng sử dụng internet, nghiện internet và những tác động không tốt của internet đối với xã hội hiện đại, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên.
Khảo sát của 2 giảng viên, thạc sĩ Trần Minh Trí- Đỗ Minh Hoàng tại Trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, cho thấy những sinh viên đạt học lực giỏi, xuất sắc, có số giờ truy cập internet bình quân là 17,6 giờ/ tuần; những sinh viên học yếu, kém, có số giờ truy cập bình quân đến 31,9 giờ/ tuần. Rất ít sinh viên học xuất sắc, giỏi truy cập internet quá 4 giờ/ngày.
Trong tham luận “Tổng quan về mô hình can thiệp và điều trị nghiện internet” của PGS.TS Nguyễn Văn Thọ (Trường đại học Văn Hiến) và thạc sĩ Lê Minh Công (Trường đại học KHXH &NV TP.Hồ Chí Minh; Hội khoa học tâm lý- giáo dục Đồng Nai) cũng cho biết, tỉ lệ nghiện internet ở thanh thiếu niên từ 9 -16 tuổi là gấp đôi so với người trên 16 tuổi. Nguyên nhân là do đối tượng này chưa có khả năng về nhận thức và cảm xúc cần thiết để tự kiểm soát mình; về thần kinh học, vùng trán, vỏ não và các hệ thống sinh học thần kinh khác chi phối, kiểm soát việc thực hiện và điều chỉnh cảm xúc chưa phát triển đầy đủ. Lứa tuổi này dễ bị cuốn hút vào các trò game online, đó là cách để họ giải tóa stress do áp lực học tập…
Sinh viên thường xuyên truy cập mạng vào trang mạng xã hội facebook với mục đích giao lưu, chia sẻ nhiều hơn là để học tập. Bên cạnh những tiện ích mà internet mang lại, thì việc nghiện internet khiến nhiều sinh viên phải bỏ học vì thức khuya, mất dần niềm tin vào cuộc sống, rơi vào trạng thái trầm uất, chỉ tin, sống, ở thế giới ảo hay phạm tội do quá ảo tưởng…
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, để giúp trẻ sử dụng internet vào mục đích lành mạnh, phụ huynh cần gần gũi, quan tâm, chia sẻ, lắng nghe tâm sự của con trẻ. Đồng thời, định hướng, giúp đỡ con nhận ra năng khiếu, sở trường để theo đuổi đam mê, sử dụng internet có điều độ, nhằm gắn bó tình cảm gia đình, tránh những chuyện đáng tiếc do tác động của internet gây ra.
H.Dung