(ĐN)- Sáng ngày 25-11, tại Khách sạn Đồng Nai đã diễn ra hội thảo quốc tế "Vai trò của di sản văn hóa trong giáo dục và phát triển hòa bình" do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Quỹ Nguồn lực Châu Á và tỉnh Đồng Nai tổ chức...
(ĐN)- Sáng ngày 25-11, tại Khách sạn Đồng Nai đã diễn ra hội thảo quốc tế “Vai trò của di sản văn hóa trong giáo dục và phát triển hòa bình”. Hội thảo do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Quỹ Nguồn lực Châu Á và tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức. Đến dự hội thảo có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-thể thao và du lịch; GS. Mohammad Abdus Sabur, Tổng Thư ký Quỹ nguồn lực châu Á cùng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ 12 quốc gia trên thế giới.
Đồng chí Trần Đình Thành trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo |
Phát biểu khai mạc tại hội thảo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Viện trưởng Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, cho biết chúng ta đang đứng trước thách thức lớn khi tình hình thế giới có nhiều thay đổi nhanh, mạnh và rất đa dạng, nhất là các thay đổi về môi trường, thảm họa thiên tai khó lường và cả những bất ổn khu vực kéo dài. Tình hình trên cùng với sự gia gia tăng “quyền lực mềm” kể cả quyền lực công nghệ, văn hóa ở các nước lớn đang tạo ra nhiều áp lực cho các nước nhỏ, các nước đi sau. Do đó, việc bảo tồn các gía trị, bản sắc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đang là thử thách đối với tất cả các quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh đó, văn hóa là di sản văn hóa sẽ trở nên rất quan trọng, nếu nguồn lực của nó được khai thác cho phát triển hòa bình.
Các đại biểu quốc tế ký tên vào bảng biểu trưng tại hội thảo |
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm bổ ích, các bài học thực tiễn tới từ các quốc gia, đề ra những giải pháp và kiến nghị thiết thực phù hợp với tình hình hiện nay nhằm phát huy một cách hiệu quả nhất giá trị của các giá trị di sản văn hóa trong việc giáo dục nhận thức cho mọi tầng lớp lao động, mọi thế hệ nhằm đoàn kết và phát triển hòa bình trên thế giới.
Các đại biểu dự hội thảo chụp hình lưu niệm |
[links(left)]Bày tỏ vui mừng khi được là địa phương đăng cai tổ chức hội thảo khoa học về văn hóa lớn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành cho hay, Đồng Nai hiện có trên 1.800 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật. Nhiều di tích, danh thắng được lập hồ sơ quản lý, trong đó xếp hạng: 1 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, các di tích khảo cổ học thời tiền sử ở Đồng Nai được khai quật và hệ thống các giá trị văn hóa phi vật thể đã thể hiện rõ dấu ấn của văn hóa tiền sử, văn hóa thời khai hoang, văn hóa lịch sử cách mạng, văn hóa thời hội nhập và phát triển. Đặc điểm của giá trị di sản văn hóa ở Đồng Nai là sự hội nhập, giao thoa, hỗn dung của nhiều hệ văn hóa, nhiều nguồn văn hóa, nhiều sắc thái văn hóa, cùng hướng tới mục tiêu chung vì hòa bình, phát triển bền vững. Tất cả những giá trị ấy đã làm nên bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng trong thống nhất của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong quá trình hội nhập và phát triển.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng bày tỏ mong muốn, thông qua hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn trong và ngoài nước chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp, cách thức và những định hướng khoa học nhằm bảo tồn và phát huy mạnh mẽ hơn nữa những giá trị của di sản văn hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong việc xây dựng và phát triển hòa bình, hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Hội thảo đã tiến hành thảo luận nhằm chia sẻ những kinh nghiệm quý của các quốc gia trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
N.P-V.T