Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, ngày 28-11, Quốc hội sẽ quyết định thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 18-11, Quốc hội đã họp tại hội trường nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Phá sản (sửa đổi) và dự án Luật Đầu tư công.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp |
* Tháo gỡ hạn chế, vướng mắc của Luật Phá sản hiện hành
Thảo luận ở tổ về Luật phá sản (sửa đổi) vào chiều 18-11, đa số các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi luật nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, khắc phục những tồn tại, vướng mắc; đồng thời góp phần vào việc tạo khuôn khổ pháp lý cho quá trình thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), quy định thông báo lâm vào tình trạng phá sản là chưa hợp lý, bởi việc quy định "trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nếu nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, thông báo bằng văn bản cho những người có quyền hoặc nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản biết để họ xem xét việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản" là gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, vì họ trở thành đối tượng của quá nhiều cơ quan giám sát. Bên cạnh đó, chưa có một chuẩn mực nào để các cơ quan này có thể "nhận thấy" được doanh nghiệp đã phá sản, vì có thể trong các tình huống khó khăn, các doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay sở vượt qua. Việc tuyên bố phá sản nhiều khi làm cho hoạt động của các doanh nghiệp chưa thực sự phá sản lâm vào tình trạng đình trệ, vì vậy Ban soạn thảo cần xem xét quy định nội dung này.
Về quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, các đại biểu cho rằng nội dung "Chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian ba tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu" là khó khả thi.
Ban soạn thảo cần phân biệt rõ các doanh nghiệp không có khả năng thanh toán khoản nợ khi đến hạn hoặc doanh nghiệp cố tình không thanh toán các khoản nợ. Hiện nay, quy mô của các doanh nghiệp là khác nhau. Đối với các doanh nghiệp lớn, việc thanh toán 200 triệu đồng không khó khăn nhưng với phần nhiều doanh nghiệp nhỏ thì không như vậy.
Bên cạnh đó, cần có quy định mở rộng thời gian (hơn 3 tháng) để doanh nghiệp và các chủ nợ có thể thỏa thuận với nhau; đồng thời tiếp tục nghiên cứu quy định chi tiết tiêu chí lựa chọn, cơ chế giám sát, trách nhiệm pháp lý, bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong hoạt động của Quản tài viên; đồng thời có chế định để chủ nợ và doanh nghiệp có thể giám sát Quản tài viên nhằm bảo đảm đối tượng này làm việc công bằng, minh bạch...
* Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí
Tán thành với việc cần thiết ban hành Luật Đầu tư công, các đại biểu cho rằng, Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 |
Về chủ đầu tư trong dự án luật, có đại biểu băn khoăn: phải có vốn, có tài sản mới là chủ đầu tư, nhưng thực tế hiện nay nhiều chủ đầu tư công không có vốn, không có tài sản chỉ là thẩm quyền. Và khi thẩm quyền thì tham mưu, dự án như thế nào thì đồng ý như thế, dẫn đến tất cả các dự án đầu tư công vượt trần dự án lớn, lãng phí nhiều. Khi thực hiện, nếu có vi phạm thì không ai bị xử phạt. Đầu tư công là một trong những điều kiện để tham nhũng lớn, vì vậy cần xác định rõ chủ đầu tư là ai.
Đối với quản lý đầu tư công, các đại biểu đề nghị quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong vấn đề này, kể cả quy định rõ ràng, chặt chẽ về quyền, trách nhiệm giám sát của cộng đồng để người dân thực hiện được quyền của mình.
* Tiếp tục hoàn thiện để thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vào cuối tháng 11
Trước đó, sáng 18-11, Quốc hội cũng đã họp tại hội trường nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Báo cáo cho biết, qua thảo luận có ý kiến đề nghị bổ sung vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp (khoản 3 Điều 51): Cùng với việc bổ sung cụm từ “doanh nhân”, có ý kiến đề nghị bổ sung vai trò của doanh nghiệp vào khoản 3 Điều 51. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1991 tán thành với ý kiến này và thấy rằng, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là rất quan trọng, đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến này và thể hiện tại khoản 3 Điều 51 của Dự thảo.
[links(right)]Liên quan đến vấn đề thu hồi đất, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng đề nghị Quốc hội cho được tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc thu hồi đất, theo hướng sửa lại khoản 3 như sau: "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định và được Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và bồi thường theo quy định của pháp luật".
Đối với chương chính quyền địa phương, có ý kiến đề nghị thiết kế mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng phân biệt rõ giữa thẩm quyền và tổ chức như sau: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với đặc điểm nông thôn và đô thị. Việc tổ chức chính quyền ở hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.
Một số ý kiến khác đề nghị, trong khi chưa có tổng kết việc thực hiện thí điểm tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, đề nghị giữ mô hình: HĐND và UBND được thành lập ở tất cả các đơn vị hành chính như Hiến pháp hiện hành.
Phát biểu tại phiên làm việc buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Dự thảo Hiến pháp đã được chuẩn bị công phu; đã được triển khai, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, mọi tầng lớp nhân dân trong, ngoài nước suốt 2 năm qua và được tiếp thu, chỉnh lý liên tục, đầy đủ, chất lượng cao. “Ngày 28-11 Quốc hội sẽ quyết định thông qua Hiến pháp hệ trọng này. Trong thời gian còn lại, Đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, góp ý trên cơ sở tiếp thu ý kiến từ nhân dân” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết.
Cũng trong sáng 18-11, Quốc hội tiếp tục góp ý một lần nữa vào dự thảo trên cơ sở góp ý bằng phiếu.
Thứ ba, ngày 19-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, buổi sáng, thảo luận Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5; buổi chiều, nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước cùng theo dõi.
P.V (Tổng hợp)