Báo Đồng Nai điện tử
En

Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

03:11, 26/11/2013

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 26-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường để thảo luận về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi).

* Thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 26-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường để thảo luận về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu quốc hội trong giờ giải lao
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu quốc hội trong giờ giải lao

Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy định hiện hành và đáp ứng kịp thời yêu cầu khách quan của thực tiễn đời sống xã hội.

* Tán thành quy định đủ mười tám tuổi trở lên mới được kết hôn

Thảo luận về độ tuổi kết hôn, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) và nhiều ý kiến khác thể hiện sự tán thành với quy định điều kiện tuổi kết hôn là nam, nữ phải “đủ mười tám tuổi trở lên”.

Các ý kiến cho rằng, quy định này bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật hôn nhân và gia đình với các quy định có liên quan của Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự trong việc công nhận, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự của cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết phân tích, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, chất lượng cuộc sống của đa số nhân dân đã được cải thiện một cách đáng kể so với thời điểm ban hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Việc hạ độ tuổi kết hôn của nam từ 20 tuổi xuống đủ 18 tuổi là phù hợp với thực trạng về thể chất cũng như về tâm sinh lý của lứa tuổi thanh niên hiện nay. Việc hạ tuổi kết hôn của nam giới cũng không khuyến khích việc kết hôn sớm của công dân, vì Báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy, tuổi kết hôn trung bình của nam, nữ đều cao hơn khá nhiều so với tuổi kết hôn được quy định trong Luật.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc quy định nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên được kết hôn là để bảo đảm sự tương thích của pháp luật Việt Nam với cam kết quốc tế của Việt Nam về bình đẳng giới. 

Tuy nhiên. cũng còn ý kiến băn khoăn và đề nghị để bảo đảm phù hợp với năng lực chủ thể của nam giới thì dự án Luật cần quy định nam đủ 20 tuổi trở lên và nữ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn. 

* Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quan hệ hôn nhân cùng giới tính

Về quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, dự thảo Luật đã bỏ quy định về việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính được quy định tại khoản 5 Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình hiện hành và thay bằng quy định mới. Theo đó, “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Ngoài ra, dự thảo Luật còn bổ sung các quy định nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ quan hệ chung sống giữa họ với nhau. 

Nhiều ý kiến đã nêu lên thực tế mặc dù pháp luật hiện hành đã cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng việc chung sống như vợ chồng giữa những người này vẫn diễn ra, thậm chí có những trường hợp gia đình và người đồng tính đã tổ chức công khai lễ cưới và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng đã phải áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lý nhưng vẫn không giải quyết được thực trạng này.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, vấn đề chung sống với nhau như vợ chồng giữa những người cùng giới tính đang là vấn đề thực tế ở Việt Nam. Cộng đồng người đồng tính dưới nhiều hình thức khác nhau cũng đã thể hiện mong muốn được Nhà nước công nhận và bảo vệ quyền được sống theo bản dạng giới. Đại biểu nêu, hiện mới chỉ có 16 nước công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính; 17 nước mặc dù không thừa nhận hôn nhân nhưng đã thừa nhận việc chung sống có đăng ký kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính; đa số các nước còn lại đều không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân giữa họ. Như vậy, theo đại biểu cách xử lý vấn đề này như dự kiến trong dự án Luật trình Quốc hội là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Quy định như dự thảo Luật cũng phù hợp với kinh nghiệm về tiến trình giải quyết vấn đề hôn nhân đồng tính mà nhiều nước trên thế giới đã trải qua. 

Một số ý kiến cho rằng, hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm cao. Do đó, việc thừa nhận hay không thừa nhận hôn nhân của họ cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau và phải có lộ trình, bước đi phù hợp. Qua thảo luận cũng có ý kiến cho rằng, quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân cũng như với quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình ở nước ta. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như Luật hiện hành.

* Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo 

[links(left)]Dự thảo Luật quy định cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại nhưng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với quy định này và cho rằng đây là một giải pháp mang tính nhân văn nhằm tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có cơ hội để thực hiện được quyền làm cha, làm mẹ.

Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội là cơ quan thẩm tra dự án Luật có quan điểm: cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn, tạo cơ hội cho một số cặp vợ chồng được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ chính đáng. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên các quy định phải rất chặt chẽ, điều kiện phải rõ ràng cũng như các vấn đề về hình thức pháp lý của thỏa thuận, bảo đảm quyền cho các bên và nhất là đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này. Nếu không, sẽ tạo điều kiện hợp pháp hóa cho mục đích thương mại hoặc buôn bán trẻ em.

Nhiều ý kiến đề nghị, ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và có các quy định cụ thể trong dự án Luật để bảo vệ quyền lợi của người mẹ và trẻ em, bảo vệ quyền người mang thai hộ trong một số trường hợp như trẻ sinh ra bị khuyết tật và vợ chồng nhờ mang thai hộ không nhận con, các rủi ro trong quá trình mang thai hộ và sinh con như trường hợp người mang thai hộ mắc bệnh do mang thai hộ (băng huyết, thai chết lưu...) hoặc chết (kể cả do mang thai hộ hoặc không phải do mang thai hộ...); vấn đề thừa kế trong trường hợp đứa con chưa được sinh ra mà bố hoặc mẹ nhờ mang thai hộ chết, bên mang thai hộ không chịu giao con cho vợ chồng nhờ mang thai; việc xung đột quyền, nghĩa vụ của cha mẹ trong thời gian từ khi đứa trẻ được sinh ra đến khi giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ … 
Cũng trong sáng nay, với đa số phiếu tán thành, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật đấu thầu (sửa đổi) bao gồm 13 Chương, 96 điều. 

Chiều 26-11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

 P.V (Tổng hợp)

Tin xem nhiều