Báo Đồng Nai điện tử
En

Bước đột phá trong quản lý Nhà nước về đầu tư công

06:11, 17/11/2013

Tiếp tục kỳ họp thứ 6, ngày 16-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường để nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật đầu tư công và thảo luận về dự án Luật Hải quan (sửa đổi).

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, ngày 16-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường để nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật đầu tư công và thảo luận về dự án Luật Hải quan (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đầu tư công
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đầu tư công

* Bước đột phá về thể chế trong quản lý đầu tư công

Tại phiên họp buổi sáng, sau khi tiến hành bỏ phiếu bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày Tờ trình về dự án Luật đầu tư công.

Theo đó, việc ban hành Luật đầu tư công là nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Dự Luật cũng được kỳ vọng là bước đột phá về thể chế, tác động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu đầu tư; tăng cường, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương khắc phục triệt để những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước về đầu tư công hiện nay, nhất là khâu quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư và phân bổ vốn đầu tư.

Đáng chú ý, việc thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công; đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, việc tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn - một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công cũng được quy định trong dự thảo luật nhằm hạn chế và đi tới chấm dứt việc quyết định chương trình, dự án vượt quá khả năng bố trí vốn, khắc phục tình trạng bố trí dàn trải, kéo dài và gây nợ đọng xây dựng cơ bản lớn như hiện nay.

Cuối buổi làm việc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật việc làm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng với tỷ lệ tán thành lần lượt là 84,34% và 85,34%.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) thảo luận tại hội trường
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) thảo luận tại hội trường

* Trao thẩm quyền “truy đuổi” cho lực lượng hải quan

Tại phiên thảo luận chiều 16-11, về  (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật hải quan.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, dự án Luật hải quan (sửa đổi) là một dự án Luật quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước, tác động sâu rộng tới quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; các quy định trong Luật lại liên quan đến nhiều đạo luật chuyên ngành và nhiều điều ước quốc tế, vì vậy việc sửa đổi Luật cần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan, phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế làm thất thu ngân sách nhà nước và tham ô, tham nhũng trong quá trình hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Về thẩm quyền tiếp tục truy đuổi của lực lượng hải quan, nhiều đại biểu tán thành như đã nêu trong dự thảo Luật hải quan (sửa đổi), vì cho rằng: Thực tiễn khi cơ quan hải quan phát hiện vi phạm và trong quá trình theo dõi, đối tượng thường di chuyển ra ngoài địa bàn hải quan, trong khi Luật hải quan hiện hành lại không cho phép lực lượng tiếp tục truy đuổi để áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Cho nên, thời gian vừa qua đã bỏ lọt nhiều tội phạm.

[links(left)]Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cần quy định rõ các cơ quan chức năng tham gia phối hợp với lực lượng hải quan trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời xác định cho rõ trách nhiệm phối hợp của các lực lượng trong việc thực hiện biện pháp phòng chống buôn lậu quan đường biên giới, để bảo đảm công tác phòng chống buôn lậu ngày càng có hiệu quả hơn.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng tán thành việc bổ sung quy định của dự thảo Luật về xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan. Các đại biểu nhấn mạnh, đây là những quy định mới, nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu khi làm các thủ tục hải quan.

Thế nhưng, để hạn chế các tranh chấp có thể phát sinh giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc áp mã số, xác định trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục thông quan, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cần làm rõ giá trị pháp lý của văn bản thông báo cho người khai hải quan, đồng thời xác định trách nhiệm của cơ quan hải quan trong trường hợp sai sót làm phát sinh các chi phí cho doanh nghiệp.

Thứ hai, ngày 18-11, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ, hội trường và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013); buổi chiều, thảo luận ở tổ về dự án Luật phá sản (sửa đổi) và dự án Luật đầu tư công.

P.V (Tổng hợp)

Tin xem nhiều