Chiều 19-11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã mở đầu phiên chất vấn với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát.
Chiều 19-11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã mở đầu phiên chất vấn với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn |
Đại biểu (ĐB) Trần Văn Minh, đoàn Quảng Ninh ngay từ đầu đã chất vấn thẳng về vấn đề chất lượng vật tư nông nghiệp, trách nhiệm quản lý thuộc về ai?
* Có tỉnh chỉ có đúng một thanh tra sở
Cụ thể, ông Minh cho rằng, cả nước hiện có khoảng 600 cơ sở sản xuất phân bón, đa số là các cơ sở nhỏ lẻ “công nghệ cuốc xẻng”. “Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tràn lan, không có trong danh mục, quá thời hạn sử dụng, “công nghệ” trồng rau muống siêu tốc, chất kích thích giúp cây su su dài hơn trong một đêm…Tình trạng này chậm được khắc phục, mà còn có khả năng phát triển mạnh hơn. Vậy, trách nhiệm và giải pháp của Bộ trong thời gian tới là gì?” – ông Minh hỏi.
Phá rừng làm cao su: Có lạm dụng và sơ hở trong chính sách Trả lời đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) về xử lý việc phá rừng trồng cao su, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trước đây có chủ trương sử dụng những vùng nghèo kiệt, trồng cây kém giá trị để chuyển đổi trồng cao su. Dựa trên chủ trương, các tỉnh, mà chủ yếu là cao nguyên đã khảo sát, lập dự án và cho phép trồng 60 nghìn hecta cao su. Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện đã phát hiện có tình trạng lạm dụng nên đề nghị Chính phủ đình chỉ khảo sát, khai phá đất rừng nghèo kiệt này. Sau đó, Bộ đã cùng các địa phương nghiêm túc kiểm tra và báo cáo, kiến nghị chỉ cho phép triển khai những dự án đã được phê duyệt theo đúng quy hoạch. |
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) phụ trách quản lý phân bón, hướng dẫn sử dụng phân bón. “Nhưng chúng tôi không quản lý sản xuất phân bón vô cơ. Qua kiểm tra, chúng tôi cũng nhận thấy những loại phân bón, thuốc trừ sâu chất lượng kém, độc hại tồn tại trên thị trường… Do đó, từ vài năm nay, chúng tôi đã chỉ đạo toàn ngành chú trọng quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp” – Bộ trưởng Phát nói.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp, gồm: hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các tiêu chuẩn (điều chỉnh 1250 tiêu chuẩn); chấn chỉnh bộ máy quản lý chất lượng vật tư, thanh kiểm tra toàn quốc và tăng cường tuyên truyền, phổ biến, đấu tranh với những người làm ăn bất chính…
Về lực lượng thanh tra nông nghiệp, nhiều đại biểu tỏ ra bất ngờ khi có địa phương cho biết, số lượng thanh tra quá ít. Chẳng hạn, tỉnh Bắc Kạn chỉ có 1 người, tỉnh Bắc Giang có 2 người, nhưng phải giải quyết hàng loạt vấn đề thanh, kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp...
* Tạm trữ lúa chỉ là giải pháp tình thế
Đề cập đấn vấn đề tạm trữ lúa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) bức xúc: “Chính sách tạm trữ lúa gạo hiện là giải pháp tình thế, vậy Bộ trưởng có những giải pháp gì căn cơ hơn?”
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, chính sách tạm trữ chưa đem lại hiệu quả cho ngành lúa gạo. Đây là một giải pháp hỗ trợ tình thế, không phải năm nào Bộ Nông nghiệp cũng sử dụng. Chỉ khi nào giá dưới 30% lãi của nông dân thì mới áp dụng.
“Tuy nhiên, chúng ta cần suy nghĩ và triển khai các giải pháp đồng bộ để ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả lợi thế của cây lúa Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề giống” – Bộ trưởng Phát giải thích thêm.
Trong 5 năm qua, ngành đã có thêm 102 giống lúa mới cho nông dân. Con số này được cho là quá nhiều. Đối với đồng bằng sông Cửu Long cần ít giống hơn nhưng phải cơ giới hóa (cứ mỗi ha giảm được 4 triệu đồng cho nông dân) và phát triển các hệ thống kinh doanh lúa gạo bền vững, có sức cạnh tranh cao.
5 năm nữa sẽ cạnh tranh được với nông nghiệp Thái Lan? Trả lời chất vấn về phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, Việt Nam hiện đang cố gắng quay lại vị trí 51 trên thế giới về khoa học vào năm 2010, vì hiện tại đã tụt xuống hạng 72. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng chất vấn, liệu trong trong 5 năm nữa Việt Nam có cạnh tranh được với Thái Lan? Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, về giống thì trình độ Việt Nam không thua kém Thái Lan, nhưng trong thực tiễn canh tác gieo trồng thu hoạch, Việt Nam kém ở khâu bảo quản chế biến sau thu hoạch. Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, sắp tới sẽ đầu tư rất cụ thể vào khâu này. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu sẽ bắt đầu bằng bảo quản hải sản để xuất khẩu trực tiếp..., để 5 năm tới, Việt Nam sẽ cố gắng cạnh tranh với Thái Lan về nông nghiệp... |
* Khó đưa nông nghiệp tăng cao trở lại
Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) về tái cơ cấu nông nghiệp và nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, đã đặt hàng với các viện nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và cơ quan liên quan, để có phân tích sâu sắc hơn. “Cá nhân tôi theo dõi, thì thấy rằng giai đoạn 5 năm trước, tăng trưởng bình quân 3,3%, 5 năm này là 2,9%, vẫn đạt kế hoạch Quốc hội và Chính phủ giao, tuy nhiên có chậm lại. Điều đó có nghĩa là thu nhập và việc làm cuả nông dân tăng chậm lại, trong khi nghị quyết Trung ương 7 đặt vấn đề là phải duy trì đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng 3,5- 3,8%” – Bộ trưởng nói.
Theo đó, việc tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển hơn đang là một thách thức lớn. Vì, muốn phát triển, cần có nguồn lực về đất đai, tài chính, nhưng nguồn lực đất đai đang suy giảm mạnh. Từ năm 2000- 2008, hơn 300 nghìn hecta đất lúa đã giảm. Những năm gần đây đất lúa không giảm nhưng diện tích trồng lúa giảm mạnh, mỗi năm khoảng gần 10 nghìn hecta.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thừa nhận, chủ trương tái cấu trúc nông nghiệp là hướng đi đột phá của ngành và các chuyên gia nhận định thời điểm triển khai là quá chậm, lẽ ra phải thực hiện vào năm 2005, như vậy là chậm 8 năm so với yêu cầu.
Kim Ngân
[links()]