Báo Đồng Nai điện tử
En

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển

09:10, 26/10/2013

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 25-10, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 25-10, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước; sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016. Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 24-10. Ảnh: H.A
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (tỉnh Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: H.A

Tán thành với đánh giá thực hiện ngân sách năm 2013 của Chính phủ, các đại biểu cho rằng, dù Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: chi hành chính rất lớn, năm sau tăng so với năm trước; chi đầu tư phát triển dàn trải, thậm chí lãng phí; kỷ cương, kỷ luật trong tài chính ngân sách có địa phương, có nơi, có ngành chưa nghiêm, bị buông lỏng; chưa tăng cường công tác kiểm tra truy thu thuế....

*Thắt chặt chi tiêu, cắt giảm chi hành chính

Về dự toán ngân sách năm 2014, các đại biểu cho rằng, cần tính toán lại và thực hiện nghiêm túc tỷ lệ phân bổ ngân sách cho một số lĩnh vực mang tính chất xã hội như: giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, y tế... Bởi, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ được xác định là “quốc sách hàng đầu”, nên phải phân bổ tỷ trọng tối thiểu để bảo đảm cho những hoạt động cần thiết của từng lĩnh vực, không thể vì tình hình kinh tế khó khăn mà cắt xén bớt.

Tuy nhiên, có đại biểu cũng nêu một thực trạng lãng phí đáng báo động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, bởi có nhiều dự án bảo vệ xong đút ngăn bàn, chỉ có tác dụng giải ngân, tạo việc làm và đời sống cho một số cán bộ, cho nhóm lợi ích. Đại biểu đề nghị cần phải rà soát lại về tính hiệu quả của việc đầu tư này.

Một số đại biểu khác thì đề nghị phân bổ ngân sách năm 2014 nên theo hướng thắt chặt các lĩnh vực, kể cả các dự án chương trình mục tiêu, dự án trái phiếu Chính phủ, đặc biệt là cắt giảm chi cho hành chính ở mức tối đa. Điều đó phù hợp với quan điểm của Đảng là không tuyển dụng biên chế mới từ nay đến hết năm 2016. Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo số liệu cụ thể, có chế tài xử lý cụ thể và nghiên cứu thực hiện khoán chi, mạnh dạn khoán tất cả vào lương để phân định trách nhiệm rõ hơn.

* Mạnh tay cắt giảm các Chương trình quốc gia không hiệu quả

Đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu đề nghị trước mắt không mở rộng thêm. Về chiến lược lâu dài, cần cắt giảm, thu hẹp và đưa vào cơ chế chi thường xuyên với những tiêu chí và cách quản lý khác minh bạch hơn để khắc phục cơ chế xin cho, ngành “chạy”, địa phương “chạy”, vừa lãng phí, vừa tiêu cực.

Thậm chí, có đại biểu còn kiến nghị xem xét lại số lượng các Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án thành phần. Bởi, các chương trình mục tiêu quốc gia chưa tương xứng với nguồn lực bỏ ra. Nhiều chương trình vượt quá nguồn lực, tính lồng ghép không cao; một số chương trình thì chồng chéo, hiệu quả sử dụng chưa cao, gây lãng phí.

Cụ thể hơn, các đại biểu đề nghị Chính phủ mạnh tay cắt giảm một số Chương trình quốc gia không hiệu quả, gây phân tán nguồn lực, chỉ nên để lại 3 chương trình trọng điểm: nông thôn mới, nước sạch, y tế.

*Vốn trái phiếu Chính phủ: tránh đầu tư dàn trải

Về phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung, đa số các đại biểu thống nhất với mức 170 nghìn tỷ đồng, nhưng đề nghị cần làm rõ căn cứ đưa ra mức phát hành trái phiếu Chính phủ này. Cùng với phát hành trái phiếu Chính phủ, nên chú ý đến xây dựng thể chế chính sách chặt chẽ; củng cố năng lực bộ máy, chú ý đến con người, sử dụng nguồn lực có chất lượng cao; đầu tư khoa học công nghệ cao…

Các đại biểu cho rằng, những dự án quyết định sự phát triển kinh tế- xã hội cần thiết phải sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, còn những dự án khác cần rà soát, cân đối, siết chặt kỷ luật để bố trí vốn hợp lý, đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy cần phải đẩy nhanh việc ban hành Luật đầu tư công và cần có nghị quyết của Quốc hội về các hoạt động đầu tư công ra ngoài nước.

* Nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy

[links(left)]Trong phiên thảo luận tại hội trường về Luật phòng cháy, chữa cháy (PCCC) vào buổi chiều, có đại biểu đồng tình với việc bỏ quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình phải bồi thường khi để xảy ra cháy cho tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, các đại biểu khác lại cho rằng quy định trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cá nhân là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Bởi, có rất nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản, thậm chí là tính mạng người dân chưa được xử lý nghiêm, vì rất khó xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra cháy nổ, dẫn đến lúng túng trong việc xử lý.

Đa số các đại biểu tán thành đối với quy định chủ hộ gia đình có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; thường xuyên kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và chữa cháy để có biện pháp khắc phục kịp thời; phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất dễ gây cháy, nổ...

Đối với quy định về phòng cháy, chữa cháy trong các khu nhà ở cao tầng, các đại biểu đề nghị Dự án luật cần có quy định chặt chẽ về hệ thống báo cháy theo tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với công trình, phải được kiểm định trước khi lắp đặt...

Theo chương trình, dự kiến Thứ hai, ngày 28-10, Quốc hội sẽ tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe báo cáo và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tiếp công dân.

P.V (Tổng hợp)

Tin xem nhiều