Từ lúc hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa, nhiều đoàn khách ở địa phương cũng như từ các tỉnh, thành trong cả nước đã đến viếng Đại tướng ngay tại ngôi nhà, nơi Đại tướng đã sinh ra và trưởng thành...
Từ lúc hay tin Đại tướng - niềm tự hào của người dân quê hương Lệ Thuỷ đi xa, nhiều đoàn khách ở địa phương (thôn An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình) cũng như từ các tỉnh, thành trong cả nước đã đến viếng Đại tướng ngay tại ngôi nhà, nơi Đại tướng đã sinh ra và trưởng thành.
Đến nay, ngôi nhà thời thơ ấu của Đại tướng vẫn một vẻ mộc mạc, đơn sơ bình dị với mái tranh, nền xi măng, sân đất như bao ngôi nhà khác trong thôn.
Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình tại Đồng Nai viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở quê nhà |
Theo Ban tổ chức lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê nhà, từ ngày 5 đến tối ngày 11-10 đã có trên 1.500 đoàn khách với khoảng 10 ngàn lượt người đã đến dâng hương viếng Đại tướng. Riêng trong ngày 12-10, đã có trên 300 đoàn khách đến viếng tang với khoảng 6 ngàn lượt người. Trong cái nắng chang chang của xứ Quảng Bình, dòng người ôm di ảnh của Đại tướng trong tay, kiên nhẫn xếp hàng, ra vào không ngớt.
Công tác chuẩn bị cho giới báo chí tác nghiệp, đưa tin về lễ tang và an táng của Đại tướng được địa phương chuẩn bị rất chu đáo. Tại các địa điểm diễn ra lễ tang, địa phương đều chỉ đạo ngành Viễn thông lắp đặt wifi, điểm phát sóng. Ngoài hội trường HĐND tỉnh được trưng dụng thành điểm kết nối thông tin để các phóng viên chuyển tin, bài, nhiều điểm được thiết lập dã chiến để cung cấp sim điện thoại, pin sạc điện thoại miễn phí cho các nhà báo. |
Em Đinh Thị Thuỳ Nhung, học sinh lớp 12, Trường THPT Lệ Thuỷ kể, tuy chưa từng trực tiếp gặp Đại tướng, nhưng qua lời kể của ông bà, cô bác trong thôn, em và các bạn rất ngưỡng mộ vị Đại tướng là con em của quê hương Quảng Bình. Vì vậy, thanh niên Lệ Thuỷ đã cùng nhau in lên áo hình Đại tướng với câu nói nổi tiếng: "Nếu không có chiến tranh, tôi là một thầy giáo" và mặc suốt trong những ngày lễ tang. Nhiều người dân còn xin "thỉnh" hình của Đại tướng về để thờ ngay tại nhà mình. "Việt Nam trước có Bác Hồ, giờ có Bác Giáp. Tôi thỉnh hình Bác Giáp về thờ chung với Bác Hồ" - bà Nguyễn Thị Lộc ở TP. Đồng Hới cho biết.
Ông Lê Quang Dũng, Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP.Huế cho biết, dù sáng 12-10 trời mưa rất lớn, nhưng đoàn vẫn quyết tâm vượt 170km đường để đến viếng Đại tướng tại UBND tỉnh Quảng Bình. Ngay sau đó, đoàn vượt thêm 40km tìm về nhà của Đại tướng để viếng tang tại nơi chôn nhau cắt rốn của Người, nhằm bày tỏ tình cảm sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân TP.Huế với vị anh hùng dân tộc.
Thắp hương viếng Đại tướng |
Cảm động nhất là hình ảnh của hai chị em Chư Thị Thanh, Chư Văn Phủ, người dân tộc Tày. Từ Tuyên Quang, hai chị em đã thay phiên chở nhau bằng xe máy suốt mấy ngày trời về Hà Nội để viếng Đại tướng tại số 30 Hoàng Diệu, sau đó tiếp tục chở nhau về tận Lệ Thuỷ với nguyện vọng viếng Đại tướng ngay tại nơi Người sinh ra. "Tuyên Quang là một trong những địa bàn hoạt động của Đại tướng trong thời kỳ chống Pháp, hình ảnh giản dị mà vô cùng vĩ đại của Đại tướng đã in sâu vào tâm khảm của bà con Tuyên Quang, vì vậy vùng đất Quảng Bình, nơi Đại tướng sinh ra đã trở nên thiêng liêng trong lòng những người trẻ như chúng tôi" - Chư Thị Thanh xúc động kể.
Thanh niên huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) viếng Đại tướng ngay tại ngôi nhà, nơi Đại tướng đã sinh ra và trưởng thành |
Ông Võ Đức Ngọc, 53 tuổi, cháu của Đại tướng và là người trông nom, gìn giữ ngôi nhà cho biết, khi hay tin Đại tướng qua đời, gia đình, dòng tộc họ Võ hết sức đau buồn. Nhưng những ngày nay, chứng kiến dòng người trong cả nước tấp nập đổ về viếng Đại tướng với tình cảm trân trọng, ngưỡng mộ, gia đình cảm thấy rất xúc động và ấm áp. "Đại tướng về với Bác Hồ là theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử tất nhiên của đời người, nhưng những giá trị mà Đại tướng để lại cho đất nước, quê hương, dòng tộc là hết sức to lớn. Chúng tôi rất tự hào về điều đó và nguyện sẽ noi gương, làm theo những điều Đại tướng dặn dò, luôn cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước”.
Bài và ảnh: T. Thuý (Từ Quảng Bình)