Từ sáng sớm 12-10, phía trước Hội trường Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh) đã có hàng ngàn người dân từ các tỉnh, thành phía Nam xếp hàng để vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong niềm tiếc thương vô hạn
Từ sáng sớm ngày 12-10, phía trước Hội trường Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh) đã có hàng ngàn người dân từ các tỉnh, thành phía Nam xếp hàng để vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong niềm tiếc thương vô hạn.
Dòng người xếp hàng trước Hội trường Thống Nhất chờ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Trong số hàng ngàn người đến viếng Đại tướng, có những người tuổi đã cao, phải đi bằng xe lăn, có những người khuyết tật phải đi bằng đôi nạn gỗ, nhiều em nhỏ cũng theo ông, bà, cha mẹ cùng xếp hàng vào viếng Đại tướng.
Dù phải xếp hàng nhiều giờ mới đến lượt vào viếng Đại tướng, nhưng tất cả ai nấy đều kiên nhẫn chờ đợi trong trật tự, không chen lấn, không than phiền. Khi được đứng trước bàn thờ, được nghiêng mình kính cẩn trước vong linh Đại tướng, không ít người đã rơi nước mắt trong sự tiếc thương người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam quật khởi: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhiều người đi xe lăn đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Với nét mặt ưu tư, anh Đỗ Thanh Hưng, người dân Đồng Nai hiện công tác tại TP.Hồ Chí Minh đứng xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, mấy đêm nay anh không ngủ được, đêm qua anh chỉ mong trời sáng để đến Hội trường Thống Nhất viếng Đại tướng.
Chị Phạm Nguyễn Thanh Hằng, một người con của quê hương Quảng Binh, cùng quê với Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi viếng Đại tướng bước ra đã ôm mặt khóc, tình cảm của chị Hằng với Đại tướng đã không còn dồn nén thêm được nữa. Chị cho biết, chị tự hào vì là người Quảng Bình, là thế hệ con cháu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những vị tướng tài ba nhất thế giới. Nhờ có công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhờ có công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà chị có được cuộc sống hôm nay. Chị Hằng chia sẻ thêm: “Khi nào có dịp về thăm quê Quảng Bình, tôi nhất định sẽ đến thăm Vũng Chùa - Đảo Yến để thắp hương trên mộ của Đại tướng”.
Một thanh niên đã ôm mặt khóc sau khi viếng Đại tướng. |
Còn chị Đinh Thị Hồng Nhung, quê Đồng Nai, một thế hệ sinh sau năm 1975, hiện đang làm việc tại TP.Hồ Chí Minh thì chia sẻ: “Chỉ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi, chúng tôi mới thấm thía được phần nào nỗi đau của cả dân tộc Việt Nam cách đây 44 năm, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời”.
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay là một ngày mát mẻ, càng về trưa, dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại càng thêm dài, những dòng người cứ lặng lẽ, không có tiếng nói ồn ào để tiến vào trước bàn thờ Đại tướng.
Chính cốt cách và con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến cho cả dân tộc Việt Nam xích lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn để vượt qua đau thương mất mát quá lớn này.
Bài và ảnh: Công Nghĩa