Sáng 6-9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ VHTT-DL, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và một số cơ quan tổ chức Tọa đàm khoa học 70 năm tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Sáng 6-9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam và một số cơ quan tổ chức Tọa đàm khoa học 70 năm tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tham dự tọa đàm.
Tọa đàm khoa học 70 năm tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
“Nhật ký trong tù” là tập thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 133 bài thơ viết bằng chữ Hán, theo thể tứ tuyệt, được Bác sáng tác trong khoảng thời gian bị giam giữ vô cớ từ ngày 25/8/1942 đến ngày 19/9/1943. Tập thơ gắn với mốc thời gian ngày 25/8/1942, với danh nghĩa là đại biểu Việt Nam Độc lập Đồng minh và Phái bộ quốc tế chống xâm lược, Bác Hồ từ Cao Bằng sang Trung Quốc để vận động quốc tế ủng hộ Cách mạng Việt Nam. Khi đến thị trấn Túc Vinh, huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Người đã bị chính quyền địa phương của chính phủ Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cơ và bị giải qua nhiều nhà lao thuộc tỉnh Quảng Tây.
“Nhật ký trong tù” không chỉ có ý nghĩa văn chương sâu sắc mà là tài sản vô giá trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, đặc biệt từ khi tác phẩm được dịch ra tiếng Việt, phát hành rộng rãi năm 1960, lan tỏa và thấm sâu vào đời sống xã hội Việt Nam. Tác phẩm đã được các tầng lớp nhân dân cả nước đón đọc, trở thành món ăn tinh thần của mỗi người dân đất Việt, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Tác phẩm không chỉ được phổ biến sâu rộng ở trong nước, mà còn được đánh giá cao và giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới: Anh, Bồ Đào Nha, Đức, Hàn Quốc, Myanmar, Nga, Nhật Bản, Pháp, Rumani, Séc, Trung Quốc, Tây Ban Nha.
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Là tập nhật ký bằng thơ, ghi chép lại những sự việc hàng ngày, “Nhật ký trong tù” chẳng những là một văn kiện lịch sử vô giá về một giai đoạn cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, mà còn là một tác phẩm văn học lớn, là bức chân dung tự họa bằng thơ của người chiến sỹ cộng sản Hồ Chí Minh, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh. Tuy rằng, chưa bao giờ, Người nhận mình là nhà thơ.
“Nhật ký trong tù” thể hiện lòng yêu nước cháy bỏng, yêu nhân dân, yêu đồng loại, thương cảm đến tận cùng những cảnh đời bất hạnh. Tác phẩm thể hiện tinh thần cách mạng, ý chí gang thép của Hồ Chí Minh, là nhân cách, phong thái, tinh thần, ý chí, nghị lực, sự tiên đoán, tính trào lộng, tính triết lý; là tinh thần tự do cao cả, thể hiện trong thái độ, khí phách, cách ứng xử, lối sống của một con người mà gông cùm, song sắt nhà tù không thể trói buộc, không khóa nổi lời thơ, không ngăn được những rung động tâm hồn tinh tế trước thiên nhiên, tạo vật; là lòng nhân ái bao la đối với con người. Và trên hết, “Nhật ký trong tù” thể hiện nhất quán tư tưởng đấu tranh cho tự do của con người; là niềm mong mỏi giải phóng đất nước, khát vọng thiết tha giành độc lập, tự do cho đất nước, cho nhân dân. Qua thời gian, từ khi tác phẩm ra đời, “Nhật ký trong tù” luôn có sức cuốn hút, lan tỏa kỳ diệu.
Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các nhà văn, các nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình tiếp tục làm rõ hơn: Hoàn cảnh đặc biệt ra đời tập thơ “Nhật ký trong tù”; Những giá trị lớn lao về tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm; những ảnh hưởng lâu bền, sâu sắc của tập thơ “Nhật ký trong tù”; tiếp tục kế thừa và phát huy các giá trị và ảnh hưởng to lớn của tác phẩm “Nhật ký trong tù” trong việc giáo dục, cổ vũ mọi người hăng hái thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa XI về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng nền tảng đạo đức trong Đảng và trong toàn xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, góp phần đấu tranh chống những quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc thân thế, sự nghiệp Chủ tich Hồ Chí Minh và tác phẩm “Nhật ký trong tù”. Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các đại biểu suy nghĩ để có thể chuyển tải “Nhật ký trong tù” bằng nhiều hình thức khác nhau như: Sách điện tử, qua nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, nghệ thuật thư pháp, mỹ thuật, âm nhạc, để giới thiệu và truyền bá sâu rộng hơn nữa những giá trị bất hủ của tập thơ.
Với những phân tích sâu sắc, hơn 30 tham luận được trình bày và gửi tới tọa đàm, thêm một lần nữa khẳng định giá trị to lớn về nội dung tư tưởng, nghệ thuật, ngôn ngữ, tính nhân văn và sức sống trường tồn của tập thơ “Nhật ký trong tù”. “Nhật ký trong tù” là bộ sử thi về thế giới tâm hồn và nhân cách Hồ Chí Minh; là một tấm gương đẹp, sáng ngời của một chiến sỹ kiên cường chiến đấu cho lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc. Tác phẩm thể hiện một ý chí, một nghị lực phi thường, chinh phục hoàn cảnh, vượt lên hoàn cảnh; là tình yêu thương vô hạn con người, chia sẻ, giúp đỡ con người…. Các tham luận cũng đi sâu phân tính những nét mới, tính hiện đại trong thơ của Hồ Chí Minh; vị trí của “Nhật ký trong tù” trong toàn bộ Di sản Hồ Chí Minh….
GS.TS Trần Văn Bính khẳng định: “Nhật ký trong tù” - một hồn thơ trong một nhân cách văn hóa; Hồ Chí Minh chưa bao giờ nhận mình là một nhà thơ, dù rằng kể từ khi được phát hiện và phổ biến, tập thơ "Nhật ký trong tù" của Bác đã làm rung động trí tuệ và trái tim của rất nhiều người, kể cả trong nước và ngoài nước. Hơn 100 bài thơ được viết trong 14 tháng bị bắt giam trong nhà tù Quốc dân đảng Trung Quốc đã chứng tỏ sức mạnh của những cảm xúc tinh tế, phong phú của nhà thơ. Không chỉ có thế, thông qua các vần thơ đó, đã hiện lên hình ảnh một nhân cách văn hóa lớn: Biết hòa mình vào vũ trụ, vào thân phận những kẻ bất hạnh, những người bị vùi dập trong xã hội bất công, và tự nguyện làm người bạn muôn đời của thế giới đau thương. Chất thép hòa quyện với chất thơ trong hồn thơ Hồ Chí Minh là ở đó.
Đại tá - Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam viết: “Không ai, không gì có thể phủ nhận được giá trị tư tưởng và nghệ thuật của Nhật ký trong tù. Tác phẩm ấy cùng nhiều bài thơ khác của Người đã minh chứng Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn của dân tộc. Tôi vẫn tin rằng, không những bây giờ mà rất lâu sau, những bài thơ trong “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh vẫn bay trên đôi cánh tự do”.
Theo TTXVN