Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ

03:05, 23/05/2013

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, ngày 23-5, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường để nghe các Tờ trình liên quan đến nhân sự; Luật cư trú; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và năm 2014...

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, ngày 23-5, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường để nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trình bày các Tờ trình liên quan đến nhân sự; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013,Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014...

* Phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ

Tại phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Tờ trình về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ để thực hiện nhiệm vụ mới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc Tờ trình Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ tài chính đối với ông Vương Đình Huệ. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc Tờ trình Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ tài chính đối với ông Vương Đình Huệ. Ảnh: TTXVN

Tờ trình nêu rõ, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng đã được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII. Ngày 28-12-2012, Bộ Chính trị đã có Quyết định số 656 về việc phân công Ủy viên Trung ương Đảng, theo đó ông Vương Đình Huệ được cử giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

[links(left)]Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ tài chính đối với ông Vương Đình Huệ.

Tiếp đó, với 85,94% đại biểu tán thành, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ để nhận nhiệm vụ mới. Ngay sau đó, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ.

Cũng tại phiên làm việc chiều 23-5, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc Tờ trình về việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Đinh Tiến Dũng. Theo Tờ trình, ông Đinh Tiến Dũng sinh ngày 10-5-1961, là cử nhân tài chính kế toán, thạc sỹ chuyên ngành quản trị kinh doanh. Trình độ lý luận chính trị cao cấp. Hiện ông Đinh Tiến Dũng là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng kiểm toán Nhà nước. Ông Dũng là cán bộ được đào tạo cơ bản, đã đảm nhiệm các chức vụ: Kế toán trưởng Tổng công ty thủy tinh và gốm xây dựng; Vụ trưởng Vụ Kinh tế - tài chính, Bộ Xây dựng; Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình. Trong quá trình công tác, ông Đinh Tiến Dũng luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Ông Dũng có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực quản lý Nhà nước về kinh tế, tài chính, đủ điều kiện để đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Cuối giờ chiều 23-5, Quốc hội thảo luận tại Đoàn về việc phê chuẩn chức vụ Bộ Tài chính đối với ông Đinh Tiến Dũng.

* Bảo đảm điều kiện thuận lợi hơn nữa để công dân thực hiện quyền tự do cư trú

Trước đó, cũng trong phiên họp sáng 23-5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú. Tờ trình nêu rõ, sau 5 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định của Luật cư trú đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc, sơ hở, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền về tự do cư trú; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Nội dung sửa đổi, bổ sung bao gồm các quy định về hành vi bị nghiêm cấm; điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; về thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp; về đăng ký tạm trú; lưu trú và thông báo lưu trú. Cụ thể như, nghiêm cấm giả tạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho đăng ký cư trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó hoặc để trục lợi. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương được sửa đổi, bổ sung theo hướng: đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 2 năm trở lên; được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu là người độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột; ông, bà nội, ngoại về ở với cháu ruột. Thời hạn làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú khi thay đổi chỗ ở hợp pháp giảm từ 24 tháng xuống còn 12 tháng...

Thẩm tra dự án này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú. Đồng thời nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung không được làm ảnh hưởng đến quyền cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp và phải bám sát tinh thần của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành. Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn còn băn khoăn cho rằng, các nội dung này chưa thực sự bao quát toàn diện các vấn đề trong công tác quản lý cư trú, chưa tương xứng với yêu cầu, mục đích, quan điểm đã nêu trong Tờ trình.

* Năm 2014 ưu tiên việc sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy nhà nước

Theo Tờ trình do ông Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 gồm 36 dự án luật; bổ sung và điều chỉnh tiến độ của 13 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013; bổ sung 06 dự án luật và 02 dự án pháp lệnh, 01 dự án nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung đầu tư, nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, xây dựng dự thảo văn bản để bảo đảm tiến độ trình và chất lượng của dự án luật, pháp lệnh. Đồng thời, đề nghị Quốc hội kiên quyết không đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những dự án chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa có đầy đủ hồ sơ; không đưa ra xem xét những dự án luật, pháp lệnh dù đã có trong chương trình nhưng không bảo đảm tiến độ về thời gian trình cũng như chất lượng của dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, sau khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp được thông qua vào cuối năm 2013, năm 2014 cần ưu tiên cho việc sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, các luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phục vụ cho việc tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, việc sắp xếp tiến độ cụ thể của các dự án cần có sự cân nhắc trên cơ sở đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm trước đây và sự cần thiết ban hành, tiến độ, chất lượng chuẩn bị dự án.

 Dự kiến, ngày mai, thứ Sáu, 24-5, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Đinh Tiến Dũng và thảo luận ở tổ về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú.

P.V (Tổng hợp)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích