(ĐN)- Làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành về việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), ông Trần Văn Tư, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh với nội dung như trên...
(ĐN)- Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành vào ngày 11-4 nhằm giám sát việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), ông Trần Văn Tư, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh với nội dung như trên.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh yêu cầu, phải bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, phải làm cho người có BHYT hài lòng với dịch vụ của mình. Ông cho rằng, đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó BHXH và Sở Y tế phải có nhiệm vụ tham mưu và đề xuất kiến nghị khi phát hiện những bất cập, vướng mắc trong qúa trình thực hiện Luật.
Hiện nay, số người tham gia BHYT trên địa bàn mới chỉ đạt 61,9%, thấp hơn mức trung bình của cả nước (70%). Trong đó, số người tham gia BHYT tự nguyện rất thấp, chỉ chiếm 18%, trong khi tỷ lệ bình quân cả nước là 24%. Riêng đối với các đối tượng bắt buộc như học sinh, sinh viên, cũng chỉ đạt gần 90%; việc cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi cũng chưa đạt 100% như quy định.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được các đại biểu đánh giá là do công tác tuyên truyền về quyền lợi của người tham gia BHYT chưa tới được với người dân; các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến cơ sở không đảm bảo chất lượng, dẫn đến người dân không mặn mà với việc tham gia BHYT. Đặc biệt, đối với BHYT tự nguyện, phần lớn mới chỉ người già, người có bệnh, người bệnh nặng tham gia; mức phí mua thẻ còn khá cao khiến cho các hộ cận nghèo không đủ sức. Các hộ nông-lâm-ngư nghiệp thì chưa có tiêu chí đánh giá thu nhập bình quân để có mức hỗ trợ cho những hộ này mua thẻ BHYT…
Phương Liễu