(ĐN)- Sáng 16-4, Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh đã tiến hành sơ kết giai đoạn từ tháng 1-2013 đến ngày 31-3-2013...
(ĐN)- Sáng 16-4, Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh đã tiến hành sơ kết việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (giai đoạn từ tháng 1-2013 đến ngày 31-3-2013). Các đồng chí: Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo tỉnh; Đinh Quốc Thái, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Tư, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó trưởng ban chỉ đạo tỉnh; Vy Văn Vũ, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã đến dự.
Đồng chí Trần Đình Thành, Bí thư Tỉnh ủy khen thưởng các tập thể có thành tích trong tổ chức lấy ý kiến nhân dân vừa qua. |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tỉnh, thời gian qua việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh được tiến hành chặt chẽ với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc. Qua hơn 3 tháng triển khai, toàn tỉnh đã tổ chức được 9.411 hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; có 903.327 lượt ý kiến tán thành với nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó 900.613 ý kiến tán thành toàn bộ nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp, 2.814 ý kiến tán thành nhưng đề nghị điều chỉnh, bổ sung nội dung một số chương, điều của dự thảo. Nhìn chung, các ý kiến đóng góp đều thể hiện trách nhiệm cao, thái độ tích cực và tinh thần xây dựng của các tầng lớp nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp của đất nước.
Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Đình Thành, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ, việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quyết định kéo dài thời gian đến 30-9-2013. Trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ triển khai việc in, gửi bảng so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, kèm theo bản thuyết minh và phiếu xin ý kiến đến từng hộ gia đình để người dân có điều kiện tham gia trực tiếp đóng góp ý kiến. Mỗi cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến vào sửa đổi Hiến pháp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, để hoàn thành được khối lượng công việc này, các cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường mạnh mẽ hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia góp ý vào sửa đổi Hiến pháp; nêu cao tính gương mẫu trong nghiên cứu và đóng góp ý kiến. Các cơ quan truyền thông của tỉnh và hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường tuyên truyền việc lấy ý kiến nhân dân và xây dựng kế hoạch đấu tranh phản bác những thông tin, luận điệu sai trái trong góp ý sửa đổi Hiến pháp.
Phương Hằng