Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiên quyết không để “lợi ích nhóm” chi phối

10:06, 08/06/2012

(ĐN)- Sáng 8-6, trong chương trình thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai kiến nghị các giải pháp...

(ĐN)- Sáng 8-6, trong chương trình thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai kiến nghị các giải pháp sau:

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trương Văn Vở phát biểu các kiến nghị tại hội nghị.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trương Văn Vở phát biểu tại hội nghị.

Mt là, cần liên kết kinh tế vùng trong tổng thể nền kinh tế quốc gia. Tôi nhấn mạnh, nếu không làm được điều này sẽ không khắc phục được tình trạng 63 “quốc gia kinh tế” như hiện nay; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tiếp tục đẩy nhanh phân cấp quản lý Nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh, chủ yếu là phân cấp quản lý quy hoạch, kế hoạch và đầu tư phát triển, quản lý ngân sách Nhà nước, quản lý khai thác sử dụng đất đai, tài nguyên.

Hai là, hoàn thiện thể chế pháp lý, môi trường kinh doanh nhằm gỡ “điểm nghẽn” trong quản lý đầu tư công, quản lý các doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại. Cụ thể là, quan tâm xây dựng cơ chế quản lý sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả theo hướng phân bổ quản lý nguồn lực theo tiêu chí phát triển các vùng kinh tế cho vùng tiềm năng, lợi thế so sánh để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo đột phá phát triển kinh tế vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa ra toàn khu vực, nhằm tận dụng, sử dụng chung hạ tầng, tránh cạnh tranh không cần thiết và tránh lãng phí sử dụng đất. Đồng thời, quan tâm nghiên cứu ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của dự án đầu tư công, hoàn chỉnh thiết kế quản lý vùng kinh tế có các quyền quyết định quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bộ phù hợp với liên kết vùng trong tổng thể nền kinh tế quốc dân.

Ba là, liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tôi đề nghị tiến hành tổng kết thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước thời gian qua, qua đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức, mô hình hoạt động, đặc biệt là tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp các tập đoàn kinh tế nhà nước, xác định lộ trình cụ thể để xử lý có kết quả việc thoái vốn đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính của các tập đoàn kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, tổ chức kinh tế nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phòng chống có hiệu quả tiêu cực, sai phạm. Đây là vấn đề lớn mà dư luận và nhân dân đang bức xúc, quan tâm.

Liên quan vấn điều này, tôi đề nghị Chính phủ giao bộ, ngành liên quan giải trình, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước tại kỳ họp này, liên quan đến sai phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước như: Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Hàng hải Vinaline…

Báo cáo quá trình thực hiện kết quả việc thoái vốn đối với 21 doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh với tổng vốn đầu tư gần 16 ngàn tỷ đồng (theo báo cáo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương vào cuối tháng 8-2011).

Bên cạnh việc sớm ban hành Luật Quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp nhà nước, cần quan tâm đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng hình thành cơ quan quản lý vốn nhà nước độc lập, tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước khỏi tổ chức thực hiện quản lý nhà nước.

Cui cùng, kiên quyết đổi mới tổ chức bộ máy quản lý nhà nước các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, không để “lợi ích nhóm” chi phối, bởi lẽ đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cản trở trong tổ chức thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Lâm Viên (ghi)

 

Tin xem nhiều