Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, ngày 24-10, Quốc hội khóa XIII đã tập trung thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, ngày 24-10, Quốc hội khóa XIII đã tập trung thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012. Theo đó, phần lớn các ý kiến đều cho rằng, một số chỉ tiêu trong bản dự toán NSNN 2012 chưa sát thực tế. Cụ thể: tổng chi ngân sách năm 2011 còn vượt nhiều là minh chứng cho thấy việc thực hiện chính sách thắt chặt tài chính chưa tốt. Với dự kiến năm 2012, tăng thu bằng tăng chi ở mức 24,5% là chưa thể hiện nghiêm tinh thần thắt chặt tài khóa; trong khi nguồn thu có thể giảm do ảnh hưởng từ giá dầu thô, tiền sử dụng đất… Vì vậy, tỷ lệ bội chi ngân sách chỉ nên ở mức 4,5% là hợp lý.
Đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng ngày 24-10. |
Mặt khác, cần sớm thay đổi phương thức phân bổ ngân sách bởi phân bổ ngân sách hiện vẫn theo kiểu cân đối, dẫn tới việc “chạy dự án”. Nếu cứ thế sẽ rất khó cắt giảm, hoặc cắt giảm tràn lan, không mục đích. Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh), cần phải thay đổi cơ bản, xem cái gì là nguồn thu của Trung ương, cái gì của địa phương. Với địa phương nghèo có thể bao cấp những dịch vụ công, nhưng tỉnh khá hơn thì phải chi từ nguồn thu của mình. Ngân sách Trung ương tài trợ những dịch vụ xã hội theo nhu cầu và phải có giám sát. Việc phân bổ ngân sách có thể bàn công khai, minh bạch trước Quốc hội, không để biến chi tiêu công thành nơi trục lợi của cá nhân. Bên cạnh đó, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, Chính phủ cần xác định từng lĩnh vực cụ thể để phân bổ hợp lý “miếng bánh” ngân sách. Theo đó, phải xác định được vấn đề gì là đòi hỏi cấp bách nhất hiện nay, tại địa bàn nào và đi sâu phân tích vào từng lĩnh vực cụ thể thì mới xác định được địa phương hay ngành nào cần tăng hoặc phải giảm tỷ lệ phân bổ vốn. Không thể áp dụng tình trạng “cào bằng” mà nên hướng tới hiệu quả thực tế. Đầu tư dàn trải sẽ khó tạo đột phá để phát triển bởi sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu và thu không đủ chi. Vì vậy, với khoản tăng thu dự kiến hơn 200 ngàn tỷ đồng vào năm 2012 cũng chỉ tương đương với các khoản chi dự kiến nên NSNN cần tập trung cho hệ thống giao thông huyết mạch, đảm bảo hạ tầng theo kịp nhu cầu phát triển; tiếp đến là đầu tư vào phát triển khoa học chính là mũi nhọn để phát triển.
Chiều 24-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật khiếu nại.