Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú trọng xây dựng những mô hình tiêu biểu...

10:08, 10/08/2011

(ĐN)- Sáng 10-8, tại Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh đã diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam (10-8-1961-10-8-2011).

(ĐN)- Sáng 10-8, tại Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh đã diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam (10-8-1961-10-8-2011). Các đồng chí: Lê Hồng Phương, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Bùi Ngọc Thanh, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương tặng bằng khen cho các tập thể.  Ảnh: T. Thúy
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương tặng bằng khen cho các tập thể. Ảnh: T. Thúy

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Đồng Nai có 13.145 người bị nhiễm chất độc da cam, trong đó có hơn 3 ngàn trẻ em dưới 18 tuổi bị dị dạng, dị tật, đời sống rất khó khăn. Bên cạnh việc khắc phục hậu quả như: tiến hành tẩy độc, khắc phục ô nhiễm môi trường và ngăn chặn, chống lan toả chất độc ra môi trường; những năm qua, Đồng Nai đã có nhiều chính sách chăm sóc cuộc sống, sức khoẻ và tinh thần cho nạn nhân chất độc da cam; điều tra, thu thập, lưu trữ các bằng chứng về hậu quả chất độc da cam để phục vụ tuyên truyền và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí nhấn mạnh, công tác giúp đỡ nạn nhân cần tập trung huy động sức mạnh của cộng đồng và xã hội để động viên gia đình và nạn nhân da cam/dioxin vượt qua khó khăn, trong đó chú trọng xây dựng những mô hình tiêu biểu về chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân vượt khó.
Tại buổi lễ, 15 đơn vị đã hưởng ứng, đóng góp cho Quỹ Nạn nhân da cam/dioxin tỉnh với số tiền lên đến 1,75 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng đã trao tặng 27 bằng khen các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác chăm lo cho nạn nhân da cam 4 năm qua.
* Đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam, Trung tâm điều dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc dacam/dioxin và trẻ em bất hạnh huyện Định Quán đã khánh thành và đi vào hoạt động. Trung tâm có 17 phòng với diện tích trên 900m2 gồm văn phòng làm việc và các phòng chức năng. Tổng kinh phí xây dựng là 1,61 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ tổ chức nuôi và đào tạo nghề cho 40 cháu bán trú; nuôi dưỡng, phục hồi 10 cháu ở thường xuyên và hướng dẫn cho 50 người thân trong gia đình nạn nhân phương pháp phục hồi chức năng, đồng thời khám bệnh, phát thuốc miễn phí vào mỗi sáng từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần.
* Ngày 9-8, huyện Nhơn Trạch tổ chức lễ họp mặt kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam. Huyện Nhơn Trạch có trên 1 ngàn người tàn tật do nhiễm dioxin, 2/3 trong số đó không có khả năng lao động, nhiều gia đình nạn nhân da cam có hoàn cảnh rất khó khăn. Dịp này, 28 doanh nghiệp trên địa bàn đã tặng 168 triệu đồng cho quỹ Hội Nạn nhân chất độc da cam của huyện.
*  Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, sáng ngày 9-8, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Long Thành đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Huyện Long Thành có trên 400 người bị phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó có 219 người đã xác định là nạn nhân chất độc da cam được hưởng trợ cấp. Trong những năm qua, huyện Long Thành đã huy động nhiều nguồn lực giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần cho các nạn nhân và gia đình có người nhiễm dioxin. Chỉ tính riêng trong 4 năm qua, đã có 136 lượt các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn huyện ủng hộ gần 800 triệu đồng cho các hoạt động chăm lo như, cấp học bổng, xây nhà tình thương, hỗ trợ vốn sản xuất, khám bệnh, phát thuốc miễn phí... Dịp này, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Long Thành đã tặng 60 phần quà cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, mỗi phần trị giá 500 ngàn đồng.
* Nhằm góp phần làm xoa dịu nỗi đau da cam, Trường đại học Nguyễn Huệ đã tổ chức phát động quyên góp ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Qua 2 ngày quyên góp, trường đã thu được trên 200 triệu đồng ủng hộ.
* Thiết thực kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam tại Việt Nam, sáng 9-8, đoàn thầy thuốc tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho 144 nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cựu tù chính trị, thương bệnh binh và thân nhân các gia đình chính sách tại xã An Phước, huyện Long Thành. Trước đó, vào những ngày cuối tháng 7, đoàn cũng đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho 345 người thuộc các đối tượng trên ở các huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc và Cẩm Mỹ. Tổng trị giá thành tiền của các hoạt động từ thiện nhân đạo nói trên hơn 100 triệu đồng.

Nhóm PV và CTV

 

Tin xem nhiều