Báo Đồng Nai điện tử
En

Có nhiều điểm khác biệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020

10:08, 03/08/2011

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã khẳng định như trên tại buổi họp báo công bố Quyết định số 1208/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện VII) do Bộ Công thương tổ chức diễn ra vào chiều 3-8.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã khẳng định như trên tại buổi họp báo công bố Quyết định số 1208/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện VII) do Bộ Công thương tổ chức diễn ra vào chiều 3-8.

Kéo điện về nông thôn.
Kéo điện về nông thôn.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, khác với các quy hoạch điện trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã nêu 4 mục tiêu cụ thể như sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 đạt khoảng 194-210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330-362 tỷ kWh; ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020; giảm hệ số đàn hồi điện/GDP từ bình quân 2,0 hiện nay xuống còn bằng 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020; đồng thời đẩy nhanh chương trình điện khí hóa nông thôn, miền núi, đảm bảo đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện (hiện số hộ nông dân có điện mới đạt gần 96%).
Quy hoạch cũng đề cập đến năm 2020 sẽ đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành; phát triển thị trường điện bằng việc công khai minh bạch các hoạt động điện lực. Về giá điện, xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường, tiếp cận với những chi phí biên dài hạn của hệ thống điện để đến năm 2020 có thể đạt 8-9 UScents/kWh bảo đảm ngành điện có khả năng phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống điện.
“Đặc biệt, tại Quy hoạch này, Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương trong việc dành quỹ đất để xây dựng các dự án nguồn điện, lưới điện và trạm biến áp có trong quy hoạch. Bởi, trong Quy hoạch Điện VI vừa qua, một trong những nguyên nhân một số dự án chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng” - Thứ trưởng nói.
Trả lời các câu hỏi của báo chí xung quanh Quy hoạch Điện VII, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, việc khuyến khích các nhà đầu tư vào ngành điện để thực hiện khối lượng lớn trong quy hoạch, vai trò chính vẫn thuộc về các Tập đoàn, Tổng công ty lớn, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam. Riêng đối với thủy điện vừa và nhỏ tư nhân đầu tư có vốn đầu tư không cao (khoảng 10 triệu USD trở lại/nhà máy), lại kỳ vọng lợi nhuận cao và có cơ chế giá tránh được nhưng sau một thời gian triển khai đã bộc lộ nhiều hạn chế như đóng góp nguồn điện năng không nhiều, suất đầu tư lưới điện cao, một số nhà máy khi xây dựng ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, khi thực hiện Quy hoạch Điện VII, Bộ Công thương sẽ rà soát lại Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ để tạo hiệu quả chung cho hệ thống điện và không ảnh hưởng đến môi trường.

Mai Phương


Tin xem nhiều