Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời đàm
Khẳng định chủ quyền

09:06, 17/06/2011

Cho đến nay, tất cả các tài liệu lịch sử đều xác tín Việt Nam là nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và là quốc gia duy nhất quản lý liên tục, hòa bình, phù hợp với các quy luật của luật pháp quốc tế đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cho đến nay, tất cả các tài liệu lịch sử đều xác tín Việt Nam là nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và là quốc gia duy nhất quản lý liên tục, hòa bình, phù hợp với các quy luật của luật pháp quốc tế đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong 3 thế kỷ, từ cuối thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức đội Bắc Hải đi tìm kiếm hải vật ở khu vực Bắc Hải, tức khu vực quần đảo Trường Sa và cả Côn Đảo, Hà Tiên. Phủ Biên tạp lục 1776 của Lê Quý Đôn và Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn khởi soạn từ năm 1910 đều khẳng định “Đội Bắc Hải, khiến đội Hoàng Sa kiêm quản, ra Bắc Hải, các đảo Côn Lôn tìm lấy hải vật”.

Bộ Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Ðồ Thư, là bộ bản đồ của Việt Nam do Ðỗ Bá, tự Công Ðạo, thành lập vào thế kỷ thứ 17, đã ghi trong phần phụ chú phủ Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam rằng: “ngoài biển khơi có một quần đảo với những bãi cát dài, được gọi là Bãi Cát Vàng”, “mỗi năm vào tháng cuối mùa Đông, Chúa Nguyễn phái ra đó một hải đội gồm 18 chiếc thuyền để thu nhặt hàng hóa, nhờ vậy mới có được một số lượng lớn vàng, bạc, tiền, súng ống và đạn dược”. Phủ Biên Tạp Lục của nhà bác học Lê Quý Ðôn soạn năm 1776 viết: “Ngoài khơi cửa An Vĩnh thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi (nay thuộc Quảng Ngãi- NV), có một đảo tên là đảo Ré, chiều dài khoảng 30 dặm. Ngày xưa, dân làng Tu Chính ra trồng đậu tại đó. Người ta vượt biển đến đó mất bốn canh (một đêm có năm canh). Phía xa hơn đảo Ré là những đảo Ðại Trường Sa. Ở đó có nhiều hải sản và hàng hóa các loại. Công ty Hoàng Sa được thành lập để ra đó thu nhặt đồ vật. Phải mất ba ngày ba đêm để đến những đảo này, đây là vùng gần Bắc Hải”. “Làng An Vĩnh, thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ở cận biển. Ngoài khơi làng này, về hướng Ðông Bắc, có trên 130 đảo trải dài, lớn nhỏ hay đá ngầm, từ đảo này qua đảo khác khi thì mất một ngày, khi thì mất vài canh bơi thuyền. Trên một vài đảo thì có nước ngọt. Một trong những đảo đó có tên Bãi Cát Vàng, có chiều dài ước lượng 30 dặm, mặt đảo bằng phẳng, tọa lạc ở một vùng nước rất trong... Những thương thuyền ngoại quốc bị gặp bão ở vùng biển thì thường bị đắm và trôi dạt vào ở những đảo này”. Ðại Nam Nhất Thống Chí ghi Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam và trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi “Ở phía Ðông của tỉnh Quảng Ngãi thì có những đảo cát gọi là Hoàng Sa; nơi đây cát và biển kết lẫn vào nhau để tạo thành bờ triền; phía Tây là vùng núi dựng như là những tường thành chắc chắn; phía Nam tiếp giáp với Bình Ðịnh ở đèo nằm ngang thuộc Bến Ðá; phía Bắc tiếp cận với tỉnh Quảng Nam ở đèo Sa Thọ”. “Quần đảo Hoàng Sa ở phía Ðông của Cù Lao Ré, huyện Bình Sơn. Bắt đầu từ bờ biển Sa Kỳ, nếu thuận gió người ta có thể đi đến đó trong ba hay bốn ngày thuyền. Người ta tính có hơn 130 đảo và đá ngầm lớn nhỏ, những đảo này cách nhau có khi một ngày, có khi vài canh đi thuyền. Trong những đảo này có những bãi cát vàng trải dài hàng trăm dặm gọi là Vạn Lý Trường Sa. Trên những dải cát đó có giếng nước ngọt và chim-chóc ở đó nhiều vô số kể. Người ta cũng thấy có hải sâm, rùa, sò ốc có màu sắc sặc sở, đồi mồi... và hàng hóa của những thương thuyền bị bão đánh đắm”. Nhiều nhà hàng hải và truyền giáo Phương Tây cũng đều có những xác nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam như Linh mục J. B. Chaigneau (Bá Ða Lộc), cố vấn của vua Gia Long, Linh mục J. L. Tabert v.v...

 

Từ đó về sau, Hoàng Sa và Trường Sa được các triều đại phong kiến Việt Nam luôn luôn có những hành động để củng cố chủ quyền với rất nhiều các sắc chỉ mà chúng ta còn giữ được đến ngày nay. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta và đặt chế độ bảo hộ trên toàn cõi Việt Nam, họ đã tiến hành xây dựng bia chủ quyền, xây dựng trạm khí tượng, trạm vô tuyến cùng trại binh ở quần đảo Trường Sa. Năm 1909, Chính phủ Trung Quốc lúc ấy đổ bộ, bắn đại bác, xâm phạm lãnh thổ Hoàng Sa. Thực dân Pháp trước tình thế ấy đã làm ngơ và ngày 30-4-1921, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông đã đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc Yahien của Hải Nam. Binh bộ thượng thư của triều Nguyễn là Thân Trọng Huề đã lên tiếng phản đối hành động trên của Trung Quốc. Sau đó, thực dân Pháp lấy lại Hoàng Sa và Trường Sa vào năm 1930 đến 1933. Năm 1933, Pháp sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa và đến năm 1938, thành lập đơn vị hành chính ở Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp và tước khí giới quân Pháp đồn trú ở Trường Sa. Cuối năm 1946, đầu năm 1947, lợi dụng danh nghĩa đồng minh tước khí giới quân Nhật, quân đội Trung Hoa Dân quốc đã chiếm đóng đảo Ba Bình, đến đầu năm 1950 họ rút đi và trao lại quyền quản lý Hoàng Sa và Trường Sa cho chính phủ Bảo Đại. Tại Hội nghị San Francisco, ngày 7-9-1951, Thủ tướng Chính phủ Bảo Đại là Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên bố “Chúng tôi xác nhận chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đã luôn luôn từ xưa thuộc lãnh thổ Việt Nam”. Lời tuyên bố này được Hội nghị San Francisco long trọng ghi vào biên bản và không một quốc gia nào trong số 51 quốc gia tham dự có phản đối. Năm 1956, lợi dụng tình hình lúc ấy, Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) đã chiếm đảo Ba Bình của Trường Sa và Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm của Hoàng Sa. Đây là hành động xâm chiếm chủ quyền trái với luật pháp quốc tế. Sau khi thực dân Pháp thua trận và rút lui, chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của chính quyền ở Nam Việt Nam và họ cũng luôn có các hành động để bảo vệ chủ quyền ở đây. Năm 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiếp quản 6 đảo do quân đội Sài Gòn đóng giữ. Sau khi đất nước thống nhất, quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục trấn giữ, thực thi chủ quyền của Việt Nam đã có từ lâu đời trên quần đảo Trường Sa (riêng Hoàng Sa vẫn bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).

Mọi sự chiếm đóng, xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đều là hành động trái với luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

TS. Phẩm An Ninh

 

Tin xem nhiều