Báo Đồng Nai điện tử
En

Hợp tác xã đan lát Hiệp Lực: Củng cố thương hiệu cho sản phẩm truyền thống

10:09, 25/09/2008

Theo liên minh hợp tác xã tỉnh, trong những năm qua HTX chuyên sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu Hiệp Lực đã giải quyết việc làm ổn định cho gần 50 xã viên và hơn 500 lao động làm gia công tại các hộ gia đình.

Làm hàng mây tre đan xuất khẩu ở HTX Hiệp Lực

Theo liên minh hợp tác xã tỉnh, trong những năm qua HTX chuyên sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu Hiệp Lực đã giải quyết việc làm ổn định cho gần 50 xã viên và hơn 500 lao động làm gia công tại các hộ gia đình. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá cả nguyên vật liệu luôn tăng cao, nhưng Hiệp Lực đã bằng nhiều biện pháp để phát triển thêm mặt hàng và thị trường tiêu thụ. Năm 2008, với việc phát triển thêm mặt hàng mới như dây nhựa, đan len, bàn ghế, khay, giỏ... Hiệp Lực đã mở thêm thị trường xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường lớn như: Mỹ, Pháp, Đức.

 

Bà Lương Thị Thúy, Phó chủ nhiệm phụ trách sản xuất - kinh doanh của HTX Hiệp Lực cho biết: "Làm nghề thủ công, mà lại là thủ công đan lát thì chủ yếu để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động." Chính từ suy nghĩ này mà bao nhiêu năm nay, mặc dù có lúc nghề đan lát gặp rất nhiều khó khăn song HTX vẫn tự xoay sở tìm kiếm thị trường, phải xuất khẩu thông qua các đầu mối trung gian ở TP. Hồ Chí Minh, chấp nhận với giá gia công thấp để bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động. Tính đến nay, Hiệp Lực vẫn được liên minh HTX đánh giá là đơn vị đi đầu trong khu vực kinh tế tập thể làm hàng xuất khẩu đạt hiệu quả cao.

 

Hàng năm, HTX Hiệp Lực đạt doanh thu từ khoảng 8-10 tỷ đồng. Năm 2008 này, mặc dù có gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá gia công không cao nhưng 8 tháng đầu năm, Hiệp Lực đã xuất khẩu đạt doanh thu hơn 6 tỷ đồng. Cũng theo bà Thúy, một sản phẩm mây tre đan để cạnh tranh được cần dựa vào các yếu tố vốn, giá thành và chất lượng sản phẩm.

 

 K.Luôn

 

Tin xem nhiều