Báo Đồng Nai điện tử
En

Động lực của sự phát triển

10:05, 19/05/2008

Thi đua yêu nước có một tầm quan trọng đặc biệt và sức cổ vũ lớn lao trong các phong trào hành động cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Thi đua yêu nước có một tầm quan trọng đặc biệt và sức cổ vũ lớn lao trong các phong trào hành động cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước trước đây, thi đua yêu nước đã trở thành biểu tượng cao đẹp của lòng yêu nước nồng nàn, là ý chí tinh thần mạnh mẽ, giúp cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân vượt qua gian khổ, khó khăn để chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong hòa bình xây dựng, kế thừa truyền thống, các phong trào thi đua yêu nước luôn được khơi dậy thường xuyên và liên tục trong các ngành, các cấp. Dù tên gọi các phong trào có khác nhau, nhưng mục tiêu đều nhằm đến sự phát triển phồn vinh và giàu mạnh của đất nước ta.

Kết quả của phong trào thi đua yêu nước của cả nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới đã góp phần to lớn vào thành quả chung của đất nước, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, an ninh - quốc phòng được giữ vững; uy tín và vị thế của nước ta ngày càng được khẳng định và nâng cao trên thế giới. Từ các phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tập thể và cá nhân rất đáng trân trọng. Đó là những nhân tố tích cực của thời kỳ mới, năng động trong lao động sáng tạo, biết hy sinh quên mình, tự mình làm tốt để cùng tập thể và cộng đồng vươn lên... Có thể nói, phong trào thi đua yêu nước luôn là động lực quan trọng thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực vươn lên góp phần xây dựng đất nước không ngừng phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều mặt tích cực, một số phong trào thi đua cũng bộc lộ những mặt trái, hạn chế cần quan tâm chấn chỉnh. Trong đó nổi lên là tính hình thức, chạy theo thành tích của một số phong trào, do vậy đã xảy ra việc báo cáo không đúng thực chất hoặc thực hiện nhiệm vụ, hưởng ứng phong trào qua loa, chiếu lệ. Mặt khác là việc khen thưởng chưa khách quan, thiếu xác đáng, cũng làm cho công tác thi đua mất đi ý nghĩa cổ vũ, động viên tích cực. Tổng kết các phong trào thi đua hàng năm là dịp để nhìn lại, biểu dương khen thưởng kịp thời những đơn vị, tập thể và cá nhân có thành tích xứng đáng; nhưng đồng thời cũng phải mạnh dạn khắc phục những phong trào thi đua mang tính hình thức, chạy theo thành tích vì nhiều lý do khác nhau.

Để công tác thi đua trở thành động lực cho sự phát triển lành mạnh, tích cực, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm khắc phục những hạn chế, tồn tạo, thực hiện đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Thi đua phải thực chất, có mục tiêu, kế hoạch và mục đích cuối cùng là phải vươn tới mục tiêu làm cho "Dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh".

ĐN

Tin xem nhiều