Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng tháp canh cầu bà kiên (19-3-1948 – 19-3-2008)

09:03, 19/03/2008

(ĐN)- Sáng 19-3, tại Bia tưởng niệm 19-3 ở xã Thạnh Phước (huyện Tân Uyên), tỉnh Bình Dương đã tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên (19/3/1948 -19/3/2008).

(ĐN)- Sáng 19-3, tại Bia tưởng niệm 19-3 ở xã Thạnh Phước (huyện Tân Uyên), tỉnh Bình Dương đã tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên (19/3/1948 -19/3/2008).

Từ cuối năm 1947 đến năm 1948, ở chiến trường miền Đông Nam bộ, tướng Đờ-la-tua (Pháp) cho xây dựng hệ thống tháp canh trên các trục lộ chính nhằm bảo vệ đường giao thông của giặc Pháp, chia cắt giao thông của ta và làm bàn đạp tiến công vào vùng căn cứ Chiến khu Đ. Trước tình hình này, lãnh đạo Khu 7 chỉ đạo đội du kích huyện Tân Uyên nghiên cứu cách đánh phá tháp canh cầu Bà Kiên. Đêm 18 rạng sáng 19-3-1948, tổ du kích được trang bị súng trường và lựu đạn, đã dùng một thang tre cao 5 mét áp sát phía trên cao của tháp canh và tung lựu đạn vào bên trong lô cốt, tiêu diệt 10 tên địch, thu 8 súng và vũ khí khác. Trận đánh tháp cầu Bà Kiên đã mở đầu cho cách đánh mới bằng cách tiếp cận mục tiêu, bí mật, bất ngờ tiến công địch. Cách đánh này đã được Bộ Tư lệnh Khu 7 tổng kết phổ biến rộng rãi kỹ thuật kết hợp với việc chế tạo vũ khí FT (phá tường), đã góp phần đánh bại chiến thuật Đờ-la-tua của thực dân Pháp ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Trong tổng kết quân sự toàn Nam bộ đã khẳng định, đây là cách đánh đặc công (cộng đồng đặc biệt) và những chiến sĩ thực hiện cách đánh này gọi là chiến sĩ đặc công.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 19-3-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Binh chủng Đặc công. Đây cũng là ngày 19 năm trước đó đội du kích Tân Uyên đã tiêu diệt tháp canh cầu Bà Kiên và trở thành ngày truyền thống của Binh chủng Đặc công ngày nay...

Để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ về chiến thắng tiêu diệt tháp canh cầu Bà Kiên, ngày 6-5-2003, huyện Tân Uyên đã khánh thành Bia tưởng niệm 19-3 tại đầu cầu Bà Kiên.

Hiện cầu Bà Kiên nằm trên trục giao thông ĐT 747 thuộc xã Thạnh Phước. Từ một xã thuần nông, Thạnh Phước đã thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong đó, ngành kinh tế công nghiệp và thương mại - dịch vụ tăng nhanh trong cơ cấu kinh tế của xã...

Q.L

Tin xem nhiều