Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời đàm
Chia sẻ gánh nặng với nông dân

09:02, 27/02/2008

"Vào WTO, nông dân Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn nhất", lời cảnh báo này đã được đưa ra và lặp đi lặp lại nhiều lần trước và sau khi nước ta trở thành thành viên chính thức của WTO. Gia nhập WTO, Việt Nam phải xóa bỏ chính sách trợ giá theo cam kết và người dân trong nước cũng sẽ chịu tác động trực tiếp bởi mặt bằng giá cả hàng hóa thế giới...

"Vào WTO, nông dân Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn nhất", lời cảnh báo này đã được đưa ra và lặp đi lặp lại nhiều lần trước và sau khi nước ta trở thành thành viên chính thức của WTO. Gia nhập WTO, Việt Nam phải xóa bỏ chính sách trợ giá theo cam kết và người dân trong nước cũng sẽ chịu tác động trực tiếp bởi mặt bằng giá cả hàng hóa thế giới. Nay thì điều đó đang trở thành hiện thực khi Chính phủ đã không còn trợ giá xăng dầu kể từ đầu năm 2008, đồng thời giá cả nhiều loại phân bón, vật tư phục vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp đang theo chiều hướng biến động tăng, gây nhiều bất lợi cho nông dân. Gánh nặng đang dồn lên vai nông dân. Ngay cả khi giá cả nông sản thế giới tăng có lợi cho nông dân thì chưa chắc họ đã được hưởng lợi từ sự tăng giá này do thiếu thông tin hoặc vì thiếu vốn để dự trữ nông sản. Không chỉ có nỗi lo về tăng giá đầu vào, người nông dân còn phải hứng chịu khó khăn nhiều hơn so với các bộ phận dân cư khác khi mà nhiều hàng hóa lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu khác liên tục tăng giá ngay từ đầu năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 năm nay đã lên đến 2,4% và dự tính tháng 2 này CPI sẽ còn cao hơn nhiều so với tháng 1.

Cũng như cả nước, Đồng Nai có tới khoảng 70% số dân ở nông thôn và sống dựa vào nông nghiệp. Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế làm cho "dân giàu, nước mạnh" thì không thể không quan tâm đến lực lượng dân cư đông đảo này. Trong bản báo cáo phát triển thế giới năm 2008 của Ngân hàng thế giới (WB) đã phát đi thông điệp rằng "Cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp và nông thôn tại các nền kinh tế đang chuyển đổi, trong đó có Việt Nam". Do vậy, nhà nước cũng cần nhanh chóng triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ mà WTO công nhận trong "hộp xanh", khoảng trên 10% trong tổng số GDP nông nghiệp, như hỗ trợ cho thủy lợi, hệ thống tưới tiêu, cải tạo đất, xây dựng hệ thống kho bãi cho dự trữ nông sản, làm đường giao thông nông thôn hay tăng kinh phí đầu tư nghiên cứu khoa học nông nghiệp để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cùng với hệ thống khuyến nông giúp cho người nông dân được hưởng lợi. Mặt khác, phải tạo thêm việc làm ở nông thôn, giúp chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành nghề sản xuất, dịch vụ khác cũng góp phần vào giảm áp lực cho người nông dân chỉ biết "tăng thu nhập" trên đồng ruộng của mình.

ĐN

Tin xem nhiều