(ĐN)- Ngày 26-2 tại TP.Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Nguyễn Công Thành, đại diện lãnh đạo 13, tỉnh thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai, cùng các Bộ, ngành liên quan đã về dự Hội nghị triển khai đề án bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
(ĐN)- Ngày 26-2 tại TP.Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Nguyễn Công Thành, đại diện lãnh đạo 13, tỉnh thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai, cùng các Bộ, ngành liên quan đã về dự Hội nghị triển khai đề án bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Qua báo cáo quan trắc hiện trạng môi trường lưu vực sông Đồng Nai (do Bộ TN-MT thực hiện), đã đến lúc cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường và suy giảm trầm trọng chất lượng nước sông Đồng Nai ở nhiều nơi trên lưu vực - trong khi đây là con sông huyết mạch có đóng góp rất to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến nhiều tỉnh, thành, và cũng là “giếng” cung cấp nước sinh hoạt cho gần 16 triệu dân vùng hạ lưu. Từ cảnh báo cho thấy, đã đến lúc không thể chậm trễ trong việc khắc phục ô nhiễm, kiểm soát xả thải và quản lý các hoạt động liên quan đến lưu vực để duy trì nguồn lợi sông Đồng Nai, gắn phát triển đi đôi với bền vững. Trước sự cấp thiết này, Chính phủ đã phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 với 16 dự án cụ thể. Tổng kinh phí cho hoạt động của đề án lên đến gần 2.000 tỷ đồng.
Cùng với việc phê duyệt đề án này, Chính phủ cũng đã có dự thảo Quyết định thành lập Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 6 tới. Theo đó, Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai (gọi tắt là Ủy ban sông Đồng Nai) sẽ làm nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng để thống nhất thực hiện 16 dự án thuộc đề án trên; xây dựng cơ sở dữ liệu cung cấp và chia sẻ thông tin về môi trường giữa Bộ TN-MT với 13 tỉnh thành thành viên và giữa các tỉnh thành thành viên với nhau; có nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp, vướng mắc giữa các địa phương trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên và BVMT lưu vực vượt quá thẩm quyền; đồng thời có trách nhiệm huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc đề án. Theo dự kiến, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh sẽ được chọn làm Chủ tịch Ủy ban nhiệm kỳ thứ nhất - dự kiến khoảng 3 năm; đại diện lãnh đạo Bộ TN-MT làm Phó chủ tịch Ủy ban, các tỉnh thành thành viên còn lại sẽ luân phiên làm Chủ tịch Ủy ban với nhiệm kỳ dự kiến là 2 năm.
Phương Liễu