Căn cứ vào Nghị định 32 của Chính phủ, ngoài xe lôi máy, xe ba gác máy, xe cải tiến (xe công nông) thì xe xích lô đạp, xe ba gác đạp khi tham gia giao thông cũng bị tịch thu.
Căn cứ vào Nghị định 32 của Chính phủ, ngoài xe lôi máy, xe ba gác máy, xe cải tiến (xe công nông) thì xe xích lô đạp, xe ba gác đạp khi tham gia giao thông cũng bị tịch thu. Ông Hứa Văn Đạt, Phó trưởng phòng kế hoạch Công ty môi trường-đô thị Biên Hòa cho biết, đội thu gom rác nội ô của công ty có đến 150 xe ba gác đạp chuyên dùng chở rác. Công ty vừa tu bổ lại các xe thu rác này để bảo đảm vệ sinh môi trường. Nếu không cho lưu hành loại xe này thì rất khó cho việc thu gom rác trong thành phố. Ông Đạt nói thêm, công ty đã đầu tư cho đội xe ba gác đạp thu gom rác, giờ bị cấm lưu hành thì công ty không biết phải làm sao để vừa chấp hành pháp luật, vừa làm tốt việc thu gom rác!
Bên cạnh sự băn khoăn, lúng túng của ngành môi trường thì giới lao động nghèo kiếm sống bằng nghề chạy xe ba gác, xích lô cũng âu lo cho tương lai. Nhóm anh em chạy xe ba gác máy tại vòng xoay Cầu Hang (thuộc phường Bửu Hòa, TP. Biên Hoa) cho biết, quy định của nhà nước thì sẽ chấp hành, nhưng bức xúc vì chưa nghe chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ gì. Anh Trần Văn Đức, chuyên kéo xe lôi bỏ mối nước đá ở khu phố 7, phường Thống Nhất (TP. Biên Hòa) thì tâm sự: "Nếu xe lôi không được phép lưu hành thì có lẽ tôi phải vất vả hơn vì phải chở từng cây nước đá bằng xe máy đi bỏ mối cho khách hàng".
Toàn tỉnh hiện có hơn 7.900 xe cải tiến, xe tự chế. Nghĩa là hiện có khoảng gần 8.000 hộ lao động nghèo với hàng chục ngàn người dân sống nhờ vào các loại xe bị cấm lưu hành sẽ bị xáo trộn rất lớn. Do vậy, bà con rất mong chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước để ổn định cuộc sống.
Thanh Toàn