Chỉ tính riêng từ tháng 10 đến 10 ngày đầu tháng 12, trên Biển Đông đã có 5 cơn bão hoạt động với cường độ rất mạnh bắt đầu từ cơn bão số 6 có tên gọi Xangsane. Tình hình thời tiết trong vài tháng qua cũng có nhiều hiện tượng bất thường ít thấy.
Ảnh mây vệ tinh cho thấy 2 cơn bão mới đang hình thành Ảnh: Tiền phong |
Chỉ tính riêng từ tháng 10 đến 10 ngày đầu tháng 12, trên Biển Đông đã có 5 cơn bão hoạt động với cường độ rất mạnh bắt đầu từ cơn bão số 6 có tên gọi Xangsane. Tình hình thời tiết trong vài tháng qua cũng có nhiều hiện tượng bất thường ít thấy.
Trong đó, cơn bão số 6 (Xangsane) mạnh cấp 12, giật cấp 13 -14 là cơn bão mạnh nhất trong các cơn bão đổ bộ vào Trung Bộ trong vòng 10 năm trở lại đây, đã đổ bộ vào Đà Nẵng và ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết các các tỉnh thuộc Trung Trung Bộ, gây mưa lớn ở Bắc Trung Bộ. Tiếp đến là cơn bão số 9 (Durian) với sức gió mạnh nhất trên cấp 12 đã đổ bộ vào Nam Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết các tỉnh Nam Trung Bộ và miền tây Nam Bộ. Cơn bão số 10 (Utor) hiện tại đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới cấp 5 đi về hướng Bắc và có thể tan trên biển Đông.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, hiện tượng El Nino xuất hiện sẽ chi phối đến hình thái thời tiết và khí hậu Việt Nam đặc biệt tại Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Kinh nghiệm của những năm trước cho thấy khi xuất hiện El Nino đã xảy ra nhiều cơn bão trái quy luật, kết hợp với tần số không khí lạnh (gió mùa đông bắc) ít hơn và kết thúc sớm hơn mọi năm, dẫn đến mùa đông ấm hơn bình thường ở các tỉnh phía Bắc. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy bởi từ tháng 10 đến nay, không khí lạnh hoạt động ít và muộn. Theo thống kê, trong tháng 10 và tháng 11 không có đợt không khí lạnh nào, chỉ có 2 đợt không khí lạnh xảy ra vào đầu tháng 12, ảnh hưởng trực tiếp tới thời tiết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.
Ảnh mây vệ tinh của hải quân Mỹ, Singapore Asean… đều cho thấy có 2 cơn bão khác nối tiếp nhau đang hình thành ở phía Đông ngoài khơi Philippines. So với hình ảnh xoáy mắt bão khá rõ của Utor thì quầng mây của 2 cơn bão này còn khá mờ nhạt nên chưa thể dự báo chính xác cường độ và đường đi của 2 cơn bão mới. |
Tiến sĩ Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định, tình hình thời tiết từ đầu năm đến nay có những dấu hiệu khác thường. Bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm và nhiều, ngay từ cuối tháng 1 đã xuất hiện áp thấp nhiệt đới. Và đặc biệt là mưa đá xuất hiện trên diện rộng liên tiếp ở các tỉnh Lai Châu, Bắc Cạn, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... sau những ngày nắng, khô hanh cuối tháng 11 vừa qua là rất ít thấy. Không khí lạnh tăng cường xuống các tỉnh miền Bắc
Ông Tăng cũng giải thích thêm, thông thường hiện tượng mưa đá thường xảy ra ở nước ta vào mùa đông và mùa xuân. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh cũng xuất hiện mưa đá, trận mưa đá đêm 20/11 là trận mưa lớn nhất trong năm. Trận mưa kéo dài gần 1 giờ đồng hồ, có gió mạnh lên tới 18 m/giây (cấp 8) và có sét, lượng mưa đo được tại trạm khí tượng Láng lúc 19 giờ đạt 86 mm, tại nội thành 58,3 mm, Thượng Cát 25 mm, Hà Đông 23,8 mm. Đáng chú ý là trận mưa đá kèm theo tố lốc ngày 21/12 tại TP. Hạ Long với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 15, đã gây ra thiệt hại rất nặng nề về người và kinh tế xã hội ở khu vực này.
Theo bà Nguyễn Lan Châu, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, nhưng đợt nắng nóng kéo dài trong hai tháng 10, 11 vừa qua có thể hiểu rằng, mùa hè dài hơn mọi năm. Đây là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, mà nhiều khả năng đỉnh của nó sẽ rơi vào tháng 12 tới. Do ảnh hưởng của hiện tượng này, ở Hà Nội, nhiệt độ trung bình của tháng 10 cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 2,8 độ C và đạt mức cao nhất trong vòng 80 năm qua.
Bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Dự báo chiều tối và đêm nay (15/12), bộ phận không khí lạnh này sẽ tăng cường xuống các tỉnh miền Bắc nước ta.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Bắc Bộ có mưa vài nơi; các tỉnh ven biển Trung Bộ có mưa rải rác; gió đông bắc trong đất liền cấp 3 - 4, vùng ven biển cấp 5; vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Bộ gió đông bắc lại mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Các tỉnh miền Bắc nước ta trời tiếp tục rét.
Anh Thi