(ĐN) - Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương lúc 22g30 tối qua 4-12, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây-Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Sóc Trăng và có khả năng vùng tâm bão đi vào địa phận các tỉnh từ Bình Thuận đến Trà Vinh vào sáng ngày 5-12.
(ĐN) - Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương lúc 22g30 tối qua 4-12, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây-Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Sóc Trăng và có khả năng vùng tâm bão đi vào địa phận các tỉnh từ Bình Thuận đến Trà Vinh vào sáng ngày 5-12. Bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền qua các tỉnh miền Tây Nam bộ và chuyển thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực vịnh Thái Lan. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Sóc Trăng có gió bão mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10, sóng biển cao từ 6 đến 8m. Biển động rất mạnh. Từ sáng ngày 5-12, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, phía nam Tây Nguyên, Nam bộ và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Sóc Trăng có khả năng nước dâng cao do bão kết hợp với thủy triều.
* "Sẽ kỷ luật các cá nhân, tổ chức không thực hiện nghiêm túc việc đối phó với bão số 9", đó là nội dung công điện khẩn của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương (TW) gửi các Bộ, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND và Ban chỉ huy PCLB các tỉnh, thành phố ven biển từ: Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu; các tỉnh Nam bộ; Nam Tây nguyên; Trung Trung bộ... thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng về công tác đối phó với cơn bão số 9 (Durian). Nội dung công điện nêu rõ: Cơn bão số 9 là cơn bão mạnh, có gió cấp 11, cấp 12 giật trên cấp 12 đổ bộ vào đất liền ngay thời điểm triều cường, thời gian duy trì lâu cả ngày và đêm trên lãnh thổ Việt Nam và kéo dài đến sáng ngày 6-12. Do đó, ngoài việc di dời, sơ tán dân; bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; tổ chức phòng chống, bảo vệ nhà cửa, kho tàng, khu công nghiệp, bến cảng, trường học, bệnh viện... các địa phương cần tổ chức thường trực các lực lượng cứu hộ để xử lý các tình huống đột xuất. Riêng các tỉnh miền Đông Nam bộ (Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh) cần chủ động di dời dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; tổ chức chằng chống nhà cửa đề phòng bão, dông, lốc, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo an toàn hồ chứa nước. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải là tổng chỉ huy các lực lượng của địa phương và của TW đóng trên địa bàn, huy động toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn để đối phó với bão.
Công điện cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo PCLBTW kết quả thực hiện đối phó với bão số 9 vào trước các thời điểm 6 giờ, 13 giờ và 18 giờ hàng ngày. Các Bộ, ngành hữu quan rà soát lại việc triển khai bố trí lực lượng trên từng địa bàn để phối hợp với địa phương thực hiện tốt các nội dung trên và có báo cáo gửi về Ban chỉ đạo PCLBTW trước thời điểm giao ban hàng ngày. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Ban chỉ đạo PCLBTW kiểm tra đôn đốc việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với những địa phương không có báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ kỷ luật các cá nhân, tổ chức không thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đối phó với bão số 9.
* Trước đó, ngày 3-12, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Đồng Nai cũng đã có công văn yêu cầu Ban chỉ huy PCLB các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa; Công ty khai thác công trình thủy lợi; Ban quản lý dự án nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT)... tổ chức di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm thường xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất... lên vùng an toàn để bảo đảm tính mạng, tài sản cho người dân; chủ động thực hiện các biện pháp chằng chống nhà cửa, đề phòng gió lớn gây tốc mái, đổ nhà... Ban chỉ huy PCLB tỉnh cũng yêu cầu Ban chỉ huy PCLB các địa phương theo dõi, chỉ đạo các xã trọng điểm thường xảy ra thiên tai trên địa bàn cử cán bộ trực 24/24 giờ để theo dõi tình hình thời tiết, nhằm chủ động phương án đối phó khi xảy ra tình huống xấu. Công ty Khai thác công trình thủy lợi và Ban quản lý dự án NN-PTNT cử cán bộ theo dõi thường trực 24/24 tại các khu vực hồ chứa, nếu có mưa lớn phải cho mở cống, xả nước trong hồ, điều tiết lũ, bảo vệ công trình. Các đơn vị, địa phương phải báo cáo kịp thời diễn biến tình hình thời tiết trên địa bàn về Thường trực Ban chỉ huy PCLB và UBND tỉnh để xem xét chỉ đạo.
P.V