Cơ quan này thuộc Bộ Công an, là tổ chức độc lập với các Cục Cảnh sát điều tra tội phạm hiện nay, có nhiệm vụ phát hiện, điều tra các tội phạm tham nhũng. Dự kiến, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng sẽ hoạt động từ năm 2007.
Luật Phòng chống tham nhũng đã được QH thông qua và có hiệu lực từ năm 2006. |
Trong tờ trình trước Ủy ban Thường vụ QH, Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh cho biết, theo Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, thẩm quyền điều tra tội phạm tham nhũng được giao cho các đơn vị Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15 - Cơ quan Cảnh sát điều tra).
Do vậy, việc thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng thuộc Bộ Công an là cơ sở pháp lý để tiến hành hoạt động điều tra loại tội phạm mới này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Hồng Anh cho biết, do tính chất của tội phạm tham nhũng, thực tế và yêu cầu đặt ra trong phòng chống tội phạm tham nhũng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng chỉ bố trí ở cấp Bộ mà không triển khai theo ngành dọc đến Công an tỉnh, thành. Cục cũng không có thẩm quyền điều tra đặc biệt (tố tụng và hành chính) bởi đây không phải là một cơ quan điều tra độc lập.
Ở địa phương, việc phát hiện, khởi tố, điều tra tội phạm về tham những tiếp tục giao cho lực lượng C15 tại địa phương. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quy định cụ thể bộ máy Cơ quan Cảnh sát điều tra công an cấp huyện cho phù hợp. Tối đa chỉ có 4 đầu mối điều tra tại cấp huyện.
Tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Vũ Đức Khiển nhận xét, việc thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng là phù hợp Nghị quyết 04 của TƯ Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và phù hợp với Luật Phòng chống, tham nhũng mới được QH thông qua.
Song, cũng có ý kiến khác nhau về sự ra đời và hoạt động của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng. Đại diện Viện KSNDTC đề nghị, cần quy định rõ thẩm quyền điều tra của Cục này để tránh trùng lặp, chồng chéo về thẩm quyền điều tra với các đơn vị khác thuộc Cảnh sát điều tra Bộ Công an, nhất là với C15.
Trên thực tế, theo vị này, chỉ riêng Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (C17) là hoạt động tương đối độc lập, còn C15 và C14 (Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm xã hội) vẫn thường xuyên chồng chéo nhau, thực hiện chưa nghiêm Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004.
Bên cạnh đó, tổ chức nghiên cứu sao cho hoạt động của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng cần phù hợp với lộ trình cải cách tư pháp (cho phép sơ thẩm tại cấp quận, huyện). "Cơ quan điều tra tội phạm tham nhũng phía trên (tức Bộ Công an) thì hoành tráng, phía dưới lại chưa đạt yêu cầu. Do vậy, cần phân định, giảm tải số vụ việc từ cơ quan điều tra cấp trên xuống cấp quận, huyện, ông này đề xuất.
Về ý kiến trên, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh cho rằng, chỉ nên lập cơ quan này ở TƯ, còn cấp huyện, quận thì Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ kiêm nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu cũng nhất trí, cần có đơn vị chuyên trách về điều tra tội phạm tham nhũng ở TƯ, việc tách chức năng này ra khỏi C15 là hợp lý; đặc biệt, trước yêu cầu ngày càng quyết liệt về chống loại tội phạm này. Như vậy, ở TƯ sẽ có thanh tra (Cục chống tham nhũng), điều tra (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng), kiểm sát và công tố về tội phạm tham nhũng; ở huyện, quận vẫn giao về C15 địa phương. (VietNamNet)