Báo Đồng Nai điện tử
En

Huy động hàng ngàn quân chủ lực phòng chống bão số 10

03:12, 12/12/2006

Hàng ngàn quân chủ lực thuộc các quân chủng hải quân, phòng không không quân… và Quân khu 5 được huy động sẵn sàng phòng chống bão số 10.

Hàng ngàn quân chủ lực thuộc các quân chủng hải quân, phòng không không quân… và Quân khu 5 được huy động sẵn sàng phòng chống bão số 10.

>>>Bão số 10 đi lên phía Bắc nhưng vẫn nguy hiểm

Soạn: HA 982219 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cuộc họp đầu tiên của Bộ chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 10 diễn ra tại Đà Nẵng sáng 12/12 Ảnh: HC

Thông tin từ cuộc họp đầu tiên của Bộ chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng sáng nay: Hiện Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã huy động 3.300 bộ đội cùng 5.000 dân quân tự vệ trên các địa bàn đứng chân cùng 50 xe tải, xe ca, 30 ca nô, xuồng máy… sẵn sàng phòng chống bão số 10. 

Ngay trong sáng cùng ngày, Quân khu 5 đã điều động 2 đơn vị giúp sơ tán dân theo yêu cầu của UBND tỉnh Bình Định.

Đại diện Quân chủng Phòng không Không quân cho biết, 2 sư đoàn và các đơn vị trực thuộc đóng quân ở miền Trung đã được đặt trong tư thế thường trực. Bộ Tư lệnh Quân chủng huy động 26 lần chiếc máy bay (gồm 18 máy bay trực thăng, 8 máy bay vận tải) ở Đà Nẵng, Phan Rang và cả Gia Lâm, Tân Sơn Nhất sẵn sàng làm nhiệm vụ báo bão, vận tải hàng hoá cứu trợ, tham gia cứu hộ, cứu nạn và đưa lãnh đạo đi kiểm tra tình hình bão lụt.

Trong ngày 11/12, đã tiến hành 3 lần chuyến bay và hôm nay 12/12 tiếp tục thực hiện thêm 6 lần chuyến bay báo bão cách bờ 50 - 100km. Đáng lo là qua những chuyến bay báo bão này, lực lượng không quân vẫn phát hiện tàu thuyền của ngư dân lén ra biển khai thác chứ không chấp hành lệnh gọi quay vào bờ tránh bão!

Để đối phó với bão số 10, Chính phủ đã quyết định thành lập Bộ chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trực tiếp chỉ huy, đồng thời bố trí hai Sở chỉ huy tiền phương tại Quảng Ngãi và Thừa thiên - Huế.

Các lực lượng thuộc Quân chủng cũng chuẩn bị 580 phao cứu sinh, mỗi máy bay trực thăng có sẵn 20 áo phao. Huy động 600 quân của Sư 375, 200 quân của Sư 372 và một số đơn vị khác tham gia phòng chống bão và tìm kiếm cứu nạn. Việc tiếp nhận vận chuyển hàng cứu trợ sẽ được tiến hành tại các sân bay Đà Nẵng, Vinh, Chu Lai, Tuy Hoà, Phú Bài, Phù Cát, Nha Trang, Phan Rang, Tân Sơn Nhất, Hà Nội.


Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân đã quyết định thiết lập sở chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng. Dự kiến đến 18h chiều 12/12 sẽ hoàn tất việc huy động các lực lượng và từ 0h ngày 13/12, tất cả sẽ sẵn sàng cho nhiệm vụ phòng chống bão số 10.

 

Bộ Tư lệnh Hải quân cũng giao nhiệm vụ cho các Vùng Hải quân, đơn vị từ Đà Nẵng vào đến Nha Trang, Vũng Tàu chuẩn bị sẵn sàng. Đến nay đã huy động 3 tàu cấp cứu xa bờ, 4 xuồng cao tốc, 6 xuồng cao su, 17 xe tải, xe ca, xe cứu thương, 5 xe đặc chủng, 4 xe cẩu, xe nâng và 450 quân. Tại Cam Ranh còn bố trí 530 quân và 3 tàu tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng tiếp ứng. Ngoài ra, còn có 8 tàu Hải quân đang túc trực tại Vũng Tàu và Trường Sa để ứng cứu khi cần thiết.

Soạn: HA 982213 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Trung tướng Nguyễn Đức Soát: "Phải phát huy tối đa vai trò của xã phường, thôn ấp trong phòng chống bão lũ"
Ảnh: HC

Phát huy vai trò chống bão của xã phường, thôn ấp

 

Tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho biết: “Qua bão số 9 cho thấy, Trung ương họp một ngày 3 lần nhưng ở dưới xã, phường không động tĩnh thì cũng không ăn thua. Vì vậy phải phát huy tối đa vai trò của xã, phường, thậm chí tác động đến từng thôn, ấp trong việc phòng chống bão lũ!”.

Trung tướng lưu ý, rút kinh nghiệm bão số 9, dự báo bão cần thật kịp thời, chính xác để có thể sơ tán dân đúng thời điểm. Trong đó, cần có sự điều chỉnh trong cách thông báo bão để người dân có thể hình dung và đối chiếu được giữa toạ độ của bão với từng vùng trên đất liền, từ đó mà nâng cao tinh thần chủ động phòng tránh.


Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc yêu cầu các địa phương và ngành chức năng liên tục rà soát, cập nhật tình hình tàu thuyền đánh bắt xa bờ, nhất là ở khu vực quần đảo Hoàng Sa để tránh sai sót. Đồng thời lưu ý tình hình tàu thuyền đánh bắt gần bờ - là các phương tiện khó liên lạc do sáng đi tối về, không có phương tiện liên lạc… 

Về việc neo đậu tàu thuyền, Bộ trưởng lưu ý: một số tàu sau khi đã vào bờ vẫn bị thiệt hại do neo đậu không chuẩn, hoặc đã neo đậu chuẩn rồi nhưng lại bị đứt dây neo. Cần đề phòng cháy nổ trong bão bởi trên các tàu thuyền đều có nhiều xăng dầu, bếp gas…

Chủ quan đi liền thiệt hại

Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc cũng cảnh báo: “ Không được chủ quan với bão không thể chỉ là khẩu hiệu. Bão Chanchu chuyển hướng đột ngột lên phía Bắc, gây thiệt hại rất lớn về người và tàu thuyền. Bão Xangsane phòng chống tốt nhưng lại thiệt hại nặng ở phần “đuôi bão” và ở nơi bão không đổ bộ trực tiếp. Bão Durian thì diễn biến càng phức tạp, thiệt hại do chủ quan là quá rõ.!”.

Theo đại diện Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia, đường đi của bão số 10 có thể thay đổi bất thường ngoài dự báo. Chiều tối mai (13/12), dọc bờ biển Đông gió sẽ mạnh dần lên. Đến chiều tối 14/12, bão sẽ vào cách bờ biển khoảng 200km, gió bắt đầu mạnh cấp 6.

Đà Nẵng sẵn sàng đối phó với bão và lụt


 

Phó Chủ tịch UBND TP kiêm Trưởng Ban chỉ huy PCLB Đà Nẵng Trần Phước Chính cho biết, đã gọi hầu hết tàu thuyền vào bờ, chỉ còn 2 tàu đang trên đường về, còn cách bờ 4 hải lý. Các tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn đang được di chuyển về âu thuyền Thọ Quang.

Đến chiều 11/12, tại đây có 315 tàu thuyền vào tránh bão, trong đó có 60 chiếc của ngoại tỉnh. BQL âu thuyền đã hướng dẫn các chủ tàu dùng đệm bằng lốp cao su để hạn chế tàu thuyền có thể va đập khi có gió bão.

 

Hiện Đà Nẵng đang tích cực tăng cường thông tin, tuyên truyền cho nhân dân chằng chống nhà cửa, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đề cao công tác phòng chống bão, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của. Đồng thời, TP cũng đã có phương án phòng chống lũ lụt, vì theo kinh nghiệm dân gian, vào ngày 23/10 âm lịch thường sẽ xảy ra lụt lớn.

 

Đến nay, tất cả các quận, huyện đã có phương án sơ tán dân. Dự kiến nếu bão ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng sẽ có hơn 17.600 hộ với 73.100 người phải sơ tán đến nơi an toàn. Trong đó huyện Hoà Vang sẽ sơ tán 6.000 hộ với trên 26.700 người, quận Ngũ Hành Sơn 3.380 hộ với 12.240 người, quận Sơn Trà 4.240 hộ với 17.520 người, quận Liên Chiểu từ 7.000 - 9.000 hộ với khoảng 35.000 - 50.000 người. (VietNamNet)

Tin xem nhiều