Theo tin từ Ban chỉ huy PCLBTƯ, tính đến 15h chiều 5-12, số người chết và mất tích là 57 trong đó 38 người chết. Bình Thuận: 2 người; Bà Rịa-Vũng Tàu: 29 người; huyện Cần Giờ: 10 người; Tiền Giang: 2 người; Bến Tre: 19 người; Vĩnh Long: 4 người. Đã có 18.400 nhà tốc mái, 860 tàu thuyền bị chìm.
Theo tin từ Ban chỉ huy PCLBTƯ, tính đến 15h chiều 5-12, số người chết và mất tích là 57 trong đó 38 người chết. Bình Thuận: 2 người; Bà Rịa-Vũng Tàu: 29 người; huyện Cần Giờ: 10 người; Tiền Giang: 2 người; Bến Tre: 19 người; Vĩnh Long: 4 người. Đã có 18.400 nhà tốc mái, 860 tàu thuyền bị chìm.
Bà Rịa- Vũng Tàu: 23 người chết, 16 người mất tích
Theo tin từ Ban Phòng chống bão lụt tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến 17giờ chiều nay (5/12), sau khi gió bão tàn phá các xã ven biển như: Phước Hải (huyện Đất Đỏ); Long Hải, Phước Tỉnh (huyện Long Điền); Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) và TP Vũng Tàu, đã có 23 người chết, 16 người mất tích (do cố tình ở lại các bè cá không chịu di dời), hơn 980 người bị thương, 223 căn nhà dân bị sập hoàn toàn, 6500 căn bị tốc mái, 13 ghe tàu đã vào nơi neo đậu nhưng vẫn bị chìm....
Những ngôi nhà sập hoàn toàn do bão - Ảnh: Hải Đăng (Tuổi Trẻ) |
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão của tỉnh hiện đang có mặt tại địa bàn xung yếu chỉ đạo di dân di tản những người dân bị sập nhà đến nơi ở mới và giúp bà con mai táng người chết và khắc phục hậu quả.
Trước mắt, chủ trương của tỉnh trợ cấp cho mỗi gia đình có người chết là 3 triệu đồng; người bị thương 1 triệu đồng.
Hiện tại hệ thống phát sóng Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã bị tê liệt hoàn toàn do đài phát sóng viba trên Núi Nhỏ đã bị gẫy cột và bay chảo tiếp sóng.
Tại Bệnh viện Lê Lợi TP. Vũng Tàu cũng bị tốc mái, nhưng vẫn phải tiếp nhận hàng chục ca cấp cứu do bị thương vì sập nhà và cây đổ.
Anh Trần Văn Công - đại biểu hội thảo Pháp ngữ), đang nghỉ tại Khách sạn Cap-Saint-Jaques (TP Vũng Tàu) kể: Đêm qua, hàng nghìn người trong khách sạn này, dù đã hay tin bão số 9, vẫn hoảng hốt trước mưa gió lớn ập tới; nhiều phòng không thể đóng cửa sổ do gió kéo. Nằm trên giường, họ cảm nhận khách sạn rung lên theo từng đợt gió giật. Trong tiếng mưa sầm sập, còn nghe tiếng gió hú liên hồi từ nhiều phía, tiếng kính vỡ loảng xoảng.
Nửa đêm, cả Vũng Tàu bị cúp điện, nước sạch; sáng nay khách sạn Cap-Saint-Jaques không thể phục vụ bữa sáng như mọi khi.
Tờ mờ sáng, gió bớt mạnh, mưa nhỏ đi, tất cả kinh hoàng chứng kiến những căn nhà không mái. Toà nhà massage-karaoke khoảng 20 phòng đối diện khách sạn và khu biệt thự đang hoàn thiện bị gió cuốn bay tất cả mái ngói. Sau khách sạn là một toà nhà 6 tầng trống hoác; bão đã giật mất hoàn toàn các cửa sổ. Phía xa, khu nhà dân lụp xụp với khoảng 20 căn bị sập hoàn toàn.
Dưới đường, những thân cây đường kính nửa mét bị gió vặn xoắn, bẻ gãy gục. Lá cây tươi bị gió vặt trơ cành, cuốn đi, phủ đầy các ban công từ tầng 3 trở lên, tấp đầy bể bơi.
Tại khu để xe, hàng trăm xe máy bị đẩy đổ ngổn ngang. Một xe ôtô ca vừa rời khách sạn, đem theo khoảng 30 khách đi lánh nạn. 4 hội thảo (trong đó có Hội thảo Phảp ngữ với hàng nghìn đại biểu trong nước và quốc tế) tạm dừng; tất cả các đại biểu trú tại khách sạn không có bữa sáng, vừa được thông báo sẵn sàng hành lý để xuống tầng 1 "chạy" bão.
Qua loa phóng thanh, khách sạn thông báo đang là "điểm lặng" của bão số 9; đuôi bão sắp quét qua, có thể gây tai nạn không thể lường trước.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Bến Tre, tính đến 17 giờ chiều 5/12 cơn bão số 9 đã đi qua tỉnh Bến Tre và cướp đi sinh mạng của 16 người và làm hơn 400 người khác bị thương. Toàn tỉnh Bến Tre đã có gần 11.000 căn nhà bị sập đổ hoàn toàn, hơn 69.000 căn nhà bị tốc mái (trong đó có 1203 phòng học). Thiệt hại không thể ước tính được. Trong đó, địa bàn huyện Giồng Trôm và Bình Đại gánh chịu thiệt hại nặng nhất: Giồng Trôm 3 người chết, 57 người bị htương nặng và rất nặng, 100% nhà bán kiên cố và cấp 4 bị sập hoàn toàn; huyện Bình Đại có 7 người chết, 61 người bị thương, 2.753 căn nhà bị sập và 24.534 căn bị tốc mái.
Tại thị xã Bến Tre, mặc dù là khu trung tâm phố thị nhà cửa kiên cố và nằm ở khu vực ít bị ảnh hưởng bão nhưng gió lốc đã đã giật sập 78 căn nhà, làm tốc mái hơn 500 căn nhà, cây, trụ điện, bảng hiệu quảng cáo ngã, đổ ngổn ngang và 4 người bị thương do bảng hiệu quảng cáo ngã đè.
Hệ thống điện ở Bến Tre đã bị tê liệt hoàn toàn, hệ thống thông tin liệc lạc cũng bị cắt, nhiều địa phương hoàn toàn không liên lạc được, hệ thống giao thông cũng tắc nghẽn, cây cầu Bến Tre 1 cũng gặp sự cố.
2200 người dân đang tập trung tại Bến phà kênh Nước Mặn chờ qua phà tránh bão ở Long An. Ảnh : Hữu Hiền
|
Hoa màu, cây ăn trái bị tàn phá trầm trọng, có địa phương diện tích lúa bị thiệt hại 100%, cây ăn trái, dừa bị “đốn ngã” hơn 50% như địa bàn huyện Bình Đại, Giồng Trôm.
Sau hơn 5 giờ quét qua địa bàn tỉnh Bến Tre, cơn bão số 9 đã tạm thời lắng xuống trên địa bàn tỉnh này chỉ còn mưa nhỏ hạt và gió mạnh.
Hiện chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đang tập trung sức lực khắc phục hậu quả của cơn bão số 9 gây ra.
Kiên Giang: Lo ngại bão “đánh úp” các huyện đảo
Sau khi nghe thông tin 820 tàu cá ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) bị đánh chìm và rút kinh nghiệm từ thiệt hại cơn bão số 5, mặc dù tàu thuyền đã được neo đậu tại huyện Kiên Hải, nhưng tới sáng nay (05/12) lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã họp thống nhất yêu cầu tất cả các tàu cá ở hai xã Lại Sơn và Hòn Tre (huyện Kiên Hải) phải vào bờ gấp. Theo con số mới cập nhật, đến 11h trưa nay, đã đưa được 400 tàu lên bờ; trên 200 tàu lớn (ở trong và ngoài tỉnh) cũng đang chạy khẩn cấp vào đất liền
Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Ban CHPCLB&TKCN), nếu bão đổ bộ vào Kiên Giang thì lo ngại nhất vẫn là các huyện đảo, cụ thể là huyện Kiên Hải và Phú Quốc
Thống kê của Ban CHPCLB&TKCN tỉnh, đã có 3.331 phương tiện đánh bắt xa bờ ở biển Đông và biển Tây được thông báo vào nơi trú ẩn an toàn
Đêm qua (04/12) Sở thuỷ sản Kiên Giang đã đến gặp 18 chủ tàu yêu cầu ký cam kết vào bờ ngay, không sẽ rút giấy phép, đến 22h đêm qua, 18 tàu ở biển Tây đã vào bờ hết.
Ngoài ra số lượng tàu bè yêu cầu vào bờ, hàng trăm lồng bè nuôi cá trên biển cũng được yêu cầu đưa lên bờ, hoặc chằng buộc lại, tuyệt đối không để người ở lại các lồng bè này. Tính đến trưa nay, đã có 164 lồng bè được chằng buộc, hàng chục lồng bè khác đã được người dân di chuyển vào bờ an toàn.
Long An : Khẩn cấp di dời 4.685 người
Tối qua và rạng sáng nay (5/12), tỉnh Long An bắt đầu đầu có mưa vừa và to, gió giật mạnh khiến nhiều cây ăn trái ngã đổ, nhiều nhà dân bị sập...
Theo tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (Ban CHPCLB&TKCN) tỉnh Long An đến 9 giờ sáng nay, thiệt hại ban đầu từ các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành sập 10 căn nhà, tốc mái 41 căn, chìm 2 ghe, chìm 1 xà lan cát, hư hỏng 6 đường dây điện.
Hiện Ban CHPCLB&TKCN tỉnh Long An đang khẩn trương thực hiện phương án sơ tán dân, hiện đã đã di dời 4.685 người, trong đó huyện Cần Giuộc đã di dời 1350 người; huyện Cần Đước: 3335 người.
Riêng hai xã cù lao Long Hựu Đông, Long Hựu Tây (huyện Châu Thành) có 2200 người dân đang tập trung tại Bến phà kênh Nước Mặn chờ qua phà tránh bão tại huyện Cần Đước. Trước đó người già và trẻ em ở hai xã này đã được đi dời từ hôm qua 04/12.
Được biết, lực lượng quân sự của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và địa phương đã có mặt tại 4 huyện ven biển tỉnh Long An là Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ sẵn sàng hỗ trợ nhân dân tại vùng ảnh hưởng bão..
Huyện đảo Phú Quý: Thiệt hại khoảng 350 tỷ đồng
Liên lạc tại đảo Phú Quý vẫn đảm bảo khi bão vào |
Anh Phạm Vĩnh Thọ, phụ trách bộ phận Trung tâm điều hành Ban Viễn thông của VNPT cho biết: VNPT tổ chức 4 phương thức liên lạc ra đảo Phú Quý: Điện thoại cố định, điện thoại di động, vô tuyến sóng ngắn và VSAT. Lúc 22h ngày 4/12, bão quá lớn làm gián đoạn liên lạc di động một số luồng cố định. Tuy nhiên liên lạc tại đảo vẫn đảm bảo vì toàn bộ luồng khác vẫn hoạt động tốt. Đặc biệt 1 số điện thoại (099269999) đặt tại Ban chỉ huy phòng chống lụt bão đảo Phú Quý duy trì liên lạc tốt trong bão. |
Con số thiệt hại trên thuộc về huyện đảo Phú Quý, được ước lượng vào đầu giờ sáng nay do Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Bình Thuận đưa ra. Theo đó, chỉ riêng tại huyện đảo này, đã có trên 820 tàu cá bị đánh chìm, 2.000 căn nhà bị sập và tốc mái, 22 trường học bị hư hỏng nặng.
Đến sáng nay, lãnh đạo tỉnh và Ban PCLB tỉnh Bình Thuận đang cố gắng đưa hàng cứu trợ khẩn cấp cùng vật tư ra đảo Phú Quý bằng máy bay trực thăng và tàu cứu hộ, để kịp thời ứng cứu, ổn định tạm thời cuộc sống cho người dân.
Các lực lượng phối hợp đang triển khai phương án và chuẩn bị phương tiện trục vớt tàu, thuyền bị chìm.
Tại thị xã La Gi, đã có 2 người chết và 2 người khác bị thương trong khi tránh bão, ngoài ra có 200 căn nhà bị sập và tốc mái.
Tại cuộc họp giao ban cầu truyền hình trực tiếp TP.HCM - Hà Nội sáng nay (5/12): Thông tin ban đầu cho biết: Bão số 9 tràn vào huyện đảo Phú Quý từ 20h tối qua (4/12), gây thiệt hại nặng nề cho nơi đây. Hàng trăm chiếc tàu bị nhấn chìm, 3 người bị thương. Khoảng 30% người dân không có chỗ ở...
Từ Bình Thuận, Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho biết, bão bắt đầu mạnh và đổ bộ vào Phú Quý vào 20h tối qua 4/12. Bão mạnh cấp 14, gió rất mạnh. Hậu quả do cơn "siêu bão" gây ra đã làm 3 người bị thương nặng.
Theo thống kê của huyện, có khoảng 820 chiếc tàu chìm, 1200 căn nhà (trong đó có cả trường mẫu giáo, công sở, nhà dân) bị sập. Đài phát thanh, truyền hình của huyện đảo Phú Quý bị gió đánh đổ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng, khoảng 30% người dân trên đảo Phú Quý hiện không có chỗ ở. Cây cối, nhà cửa đổ ngổn ngang.
Ông Huỳnh Văn Tí, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Bình Thuận cho biết, trước mắt, tỉnh tập trung chỉ đạo giải quyết nhà ở cho dân bằng cách huy động tất cả trường học, cơ quan công sở. Ngoài ra, số dân còn lại không có chỗ ở sẽ được phân tán vào những nhà dân còn nguyên vẹn. Nếu vẫn không đủ, sẽ căng bạt không để người dân không có chỗ ở.
Do vậy, các tỉnh khu vực trên tuyệt đối không được chủ quan lơ là. Cần kiên quyết di dời sơ tán dân ở những vùng nguy hiểm, những ngôi nhà không đủ kiên cố đến nơi an toàn. Đồng thời, tổ chức neo đậu tàu thuyền đặc biệt là khu vực biển phía Tây, tránh lập lại thảm họa của cơn bão Linda năm 1997.
Theo Ban chỉ huy PCLB Bình Thuận, 22h đêm quan, tại đảo Phú Quý đã có gió cấp 11, giật cấp 12. Có 2 người dân ở huyện Tuy Phong bị chết (do cây Thánh giá trong nhà thờ đổ vào người), 3 người khác bị thương. 70 chiếc tàu bị sóng đánh vỡ, 820 chiếc tầu nhỏ bị chìm. Hơn 1.000 ngôi nhà bị sập, tốc mái. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 350 tỷ đồng.
Bão cũng gây thiệt hại nặng nề tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến thời điểm này, đã có 18 người chết, là tỉnh có số người chết cao nhất đến thời điểm này, 500 căn nhà bị tốc mái.
Tại Trà Vinh, toàn bộ 265 tàu/2.527 người đã vào nơi trú ẩn an toàn. Tỉnh cũng đã triển khai phương án sẵn sàng di dời dân đến nơi an toàn và bảo vệ các khu nuôi trồng thuỷ sản. Đã giúp dân chằng chống được 312 căn nhà.
Tuy nhiên, ở Sóc Trăng vẫn còn 40 thuyền/579 người trên tàu đang đánh bắt xa bờ ở tọa độ (6 độ vĩ bắc, 106 độ kinh đông), các tàu thuyền này vẫn liên lạc được với đất liền, hiện đang tiếp tục kêu gọi các tàu về nơi tránh bão. Tỉnh đã di dời được 1.188 hộ/5.223 người đến nơi an toàn.
Đối với Bạc Liêu, đến 20h30 tối qua, tất cả các tàu đã về nơi trú bão an toàn. Địa phương cũng đã hoàn thành sơ tán 61 hộ/296 người đến nơi an toàn, hiện tiếp tục sơ tán 14.617 người dự kiến hoàn thành lúc 5h sáng nay.
Tỉnh Cà Mau, số tàu thuyền còn trên biển là 42 chiếc/360 người đang đánh bắt ở ngoài vùng biển bãi cạn Cà Mau, Hòn Khoai, Thổ Chu, Tây Nam Hòn Chuối. Tất cả các tàu đánh bắt xa bờ đều giữ được liên lạc với bộ đội biên phòng và gia đinh. Tỉnh cũng đã di dời 2.007hộ/6.200 người đến nơi an toàn, chằng chống nhà cửa 17.857 nhà, cho học sinh nghỉ học trong ngày 5/12.
Nguy cơ thảm họa bão Linda |
Ngay trong sáng nay, Ban chỉ đạo PCLB TƯ đã có công điện khẩn 15 gửi Chủ tịch UBND và Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang và các bộ liên quan.
Công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, cho biết, bão số 9 với sức gió cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11 đang ảnh hưởng và đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh ĐBSCL và vùng biển Tây Nam của Cà Mau, Kiên Giang. Bão có thể đổ bộ vào ngày và đêm nay, sáng 6/12. Các Phó Thủ tướng nhận định, đây là khu vực có nhiều tàu thuyền nhỏ, nhà dân không đủ an toàn. Thời gian bão vào có thể duy trì lâu cả ngày và đêm lại gặp triều cường, sóng biển dâng cao, nhiều cửa sông, kênh rạch, mưa lớn, lốc xoáy sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, ngay sáng nay, các địa phương trên phải kiên quyết không để dân ở lại trên tàu thuyền khi đã vào nơi neo đậu và ở lại trên các chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, trường hợp cần thiết phải cưỡng chế đưa dân đến nơi an toàn. Tổ chức chằng chống nhà cửa, sử dụng các bao cát để bảo vệ các mái nhà có tấm lợp. |
(Theo VietNamNet)