"Không thể nói do dân chủ quan, mà chính lãnh đạo tỉnh cũng không hết sức đôn đốc dân phòng chống bão số 9 nên thiệt hại càng lớn", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong cuộc họp rút kinh nghiệm sáng 7/12 tại TP HCM.
"Không thể nói do dân chủ quan, mà chính lãnh đạo tỉnh cũng không hết sức đôn đốc dân phòng chống bão số 9 nên thiệt hại càng lớn", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong cuộc họp rút kinh nghiệm sáng 7/12 tại TP HCM.
"Thậm chí, có bà con kể với tôi là chỉ nghe loáng thoáng về bão. Đến khi bão đến, thổi sập nhà mới chạy ra ngoài thoát thân", Thủ tướng xót xa.
Mổ xẻ nguyên nhân thiệt hại tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, người trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão ở phía Nam, cũng bức xúc: "Có tỉnh làm tốt công tác phòng chống, nhưng lãnh đạo nhiều tỉnh cũng chủ quan, lơ là, không phân công chỉ đạo phòng chống sát sao cho dân chúng. Thậm chí, có lãnh đạo còn ngủ ở nhà trong khi bão đang hoành hành trên địa bàn tỉnh mình".
Bão thổi trống hoác ngôi nhà nhỏ bên bãi biển Cà Ná ở Ninh Thuận. Ảnh: Lưu Đức. |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, tính đến sáng 7/12, 3 ngày sau khi cơn bão đi qua, số người thiệt mạng tăng từ 52 lên 73 người, số người mất tích là 31. Hơn 1.000 người bị thương do nhà sập, mái tôn, ngói bay. Gần 35.000 ngôi nhà bị sập. 177.000 căn nhà bị tốc mái. Tổng thiệt hại ước tính lên đến 5.200 tỷ đồng. Việc tìm kiếm người mất tích vẫn được tiến hành cho đến hết ngày 15/12.
Đảo Phú Quý mặc dù là nơi đón bão đầu tiên với sức gió mạnh nhất cấp 11, tan hoang nhà cửa, tàu thuyền nhưng may mắn không thiệt hại về nhân mạng. Lãnh đạo huyện đảo đã được Thủ tướng biểu dương tinh thần trách nhiệm, phòng chống bão, bảo vệ nhân dân.
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão cũng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre... nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm về những thiệt hại sau bão số 9.
Trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo chi 150 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng trung ương để hỗ trợ cho các tỉnh bị thiệt hại, trong đó Bến Tre nhận 70 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu được hỗ trợ 40 tỷ. Song quan trọng hơn hết là công tác khắc phục hậu quả, xây dựng, sửa chữa nhà cho người dân để giúp dân sớm ổn định trở lại cuộc sống. Mỗi gia đình bị sập nhà được hỗ trợ 5 triệu đồng, nhà cấp 4 bị tốc mái nhận 2 triệu đồng từ ngân sách trung ương để sửa chữa lại nhà.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung cứu chữa người bị thương, giúp mai táng người chết, động viên gia đình người bị nạn. Đồng thời cung cấp lương thực, thực phẩm cho những hộ gặp khó khăn, không để dân đói. Ngân hàng cũng khoanh nợ vốn vay cũ và cho các chủ tàu thuyền vay vốn mới để sửa chữa tàu thuyền, khôi phục sản xuất.
Dự báo bão cũng phải chính xác hơn
Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng, chưa có cơn bão nào mà Ban chỉ đạo tiền phương họp 3 lần mỗi ngày như bão số 9. Liên tục trong 10 ngày, khi bão đổ bộ vào Philippines, Chính phủ đã có 5 công điện, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương gửi 17 công điện đến các tỉnh. Thủ tướng, các Phó thủ tướng cũng thường xuyên gọi điện nhắc nhở lãnh đạo các tỉnh dự kiến cơn bão sẽ đi qua.
Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương Cao Đức Phát nhìn nhận, bão số 9 có diễn biến phức tạp với 5 lần thay đổi cường độ. Khi đổ bộ vào VN suốt dải từ Khánh Hòa đến Cà Mau, bão số 9 có sức gió cấp 10, giật trên cấp 11.
Trước bão, gần 13.000 tàu thuyền với hơn 68.000 ngư dân đã về được nơi trú ẩn. Các tỉnh di dời hơn 10 vạn dân đến nơi an toàn. Thế nhưng, sự phức tạp trong diễn biến đường đi cơn bão số 9, cộng với khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ là nơi ít có gió bão, nên thiệt hại vẫn nặng nề về người và của.
Rút kinh nghiệm diễn biến bão Durian, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: "Công tác dự báo bão phải chính xác hơn nữa và gắn kết chặt với Đài phát thanh, truyền hình để thông báo đến dân chúng được rộng rãi hơn. Lãnh đạo các tỉnh cũng phải rút kinh nghiệm, sâu sát, quyết liệt hơn trong phòng chống lụt bão".
Theo VnExpress