Báo Đồng Nai điện tử
En

Chạy đua với bão Durian

10:12, 04/12/2006

Bão Durian mạnh cấp 12-13 đang băng băng tiến vào bờ và chỉ 12 giờ nữa thì hoành hành ở các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Khánh Hòa, sau đó tiến sâu vào đất liền. Các địa phương đang khẩn cấp sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo hoàn tất trước sáng 4/12, theo đúng lệnh của Thủ tướng.

Ảnh mây vệ tinh cơn bão.

Bão Durian mạnh cấp 12-13 đang băng băng tiến vào bờ và chỉ 12 giờ nữa thì hoành hành ở các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Khánh Hòa, sau đó tiến sâu vào đất liền. Các địa phương đang khẩn cấp sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo hoàn tất trước sáng 4/12, theo đúng lệnh của Thủ tướng.

Khánh Hòa là nơi tâm bão có thể đi qua. Phó chủ tịch UBND Nguyễn Trọng Hòa cho biết, lãnh đạo tỉnh đã tỏa đi 4 địa bàn xung yếu gồm Nha Trang, Vạn Ninh, Cam Ranh và Ninh Hòa để cùng với huyện chỉ đạo đối phó với bão. Phương án di dời hơn 24.000 người dân ở các khu nhà tạm ven biển, vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn đã được hoàn tất. Trước 19h tối nay, người già và trẻ em ở những khu vực trên sẽ được di dời. Đến sáng mai, toàn bộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm sẽ di dời hết.

Tuy nhiên, ông Hòa vẫn rất lo lắng. "Từ năm 1993 đến nay, Khánh Hòa mới bị bão đổ bộ. Nhiều nơi như thành phố Nha Trang mấy chục năm chưa phải đón bão. Người dân vì thế dễ chủ quan", ông Hòa chia sẻ. Tỉnh đã chỉ đạo đài phát thanh liên tục thông báo về diễn biến bão, cũng như các công việc cần làm để đối phó. Lãnh đạo từ tỉnh xuống huyện xã phải yêu cầu người dân chằng néo nhà cửa, sơ tán khỏi vùng nguy hiểm trước 12h trưa mai.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng đang rất lo cho hơn 10.000 lồng nuôi tôm của bà con ở huyện Vạn Ninh, thành phố Nha Trang và vịnh Cam Ranh. Đây là nguồn sống chính của hàng chục nghìn ngư dân nên rất có thể bà con vẫn cố gắng bám trụ để bảo vệ lồng, dù địa phương đã quyết liệt cưỡng chế di dời.

Trong khi đó, nhiều người dân ở thành phố Nha Trang vẫn bình thản với bão. "Bão chẳng vào Nha Trang đâu mà lo. Thành phố được các ngọn núi che chắn, hàng trăm năm nay không gặp bão", một người dân chép miệng. Anh này cho biết, đến chiều 3/12, ngoại trừ bờ biển Nha Trang vắng bóng du khách do biển động, còn lại mọi hoạt động ven đường phố Trần Phú vẫn diễn ra bình thường. Các khách sạn dọc đường Trần Phú vẫn chưa có động thái chằng néo lại cửa sổ.

Phú Yên lo tàu thuyền chìm

Phú Yên cũng nằm trong danh sách bão có thể đổ bộ. Ông Nguyễn Bá Lộc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đã có buổi làm việc với Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương Cao Đức Phát vào chiều nay để thống nhất phương án phòng chống bão.

Theo đó, từ đầu giờ chiều 3/12, Phú Yên bắt đầu sơ tán dân khỏi 4 vùng cửa sông nguy hiểm gồm: cửa sông Cầu, Long Thủy, Đà Diễn và Hòa Hiệp. Nguy hiểm nhất là cửa sông Cầu, nơi tụ tập tới hơn 2.000 lồng tôm. "Mỗi hộ thế nào cũng cử ít nhất một người ở lại trông coi, bất chấp bão lớn. Từ chiều nay, chúng tôi đã cho cưỡng chế từng người đưa lên bờ", ông Lộc nói.

Dù tất cả tàu thuyền đã về nơi trú ẩn, song Phó chủ tịch Lộc vẫn rất lo phương tiện neo đậu không đúng cách, có thể bị sóng lớn đánh chìm. Phú Yên đã có bãi học nhãn tiền là ngay chiều qua, dù bão chưa vào, song tại cửa sông Lễ Thịnh khu vực An Ninh Đông, huyện Tuy An, sóng to làm chìm 4 tàu. Toàn tỉnh hiện có hơn 4.200 tàu thuyền, trong đó 1.600 tàu đang trú ẩn ở địa phương khác.

Ít bị bão, người dân Nam Bộ và Tây Nguyên có thể chủ quan

Tại các tỉnh ven biển Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh sâu nội địa như Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk, Bình Phước, Tây Ninh..., lãnh đạo tỉnh và người dân cũng đang khẩn trương đối phó với bão. Đã lâu lắm, trừ cơn bão số 4 đi sượt qua Cà Mau cuối tháng 11/2005, và trước đó là bão Linda năm 1997, người dân mới lại phải đối mặt với bão. Không ít người dân ở những tỉnh này có tâm lý chủ quan.

Chính vì thế, trong chỉ đạo hằng ngày, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đã rất nhiều lần nhắc các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm cả các tỉnh phía tây của khu vực này cần loại bỏ ngay tư tưởng chủ quan, nhất là khu vực ít có bão và miền núi. Người dân cần chằng chống nhà cửa, kho tàng và khu công nghiệp, không để dân ngủ trên tàu.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành sơ tán dân trước sáng mai

Chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện khẩn cấp gửi chủ tịch UBND các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung lực lượng, phương tiện thực hiện các biện pháp quyết liệt bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước. Địa phương phải tổ chức sơ tán dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn (đến các nhà kiên cố, các công trình công cộng), hoàn thành trước sáng 4/12.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh thành phố gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Gia Lai, Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ không được chủ quan lơ là, tiếp tục theo dõi diễn biến của bão, chỉ đạo công tác phòng chống kịp thời, có các phương án phòng chống mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Bão mạnh băng băng tiến vào đất liền

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 16h chiều nay, tâm bão chỉ cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 410 km về phía đông. Bão duy trì cường độ cấp 12-13, tốc độ 15 km một giờ. Hướng bão thay đổi một chút, theo tây tây nam thay vì hướng giữa tây và tây tây nam như dự báo trước đó. Đến 16h chiều mai, tâm bão chỉ cách bờ biển Khánh Hòa khoảng 60 km về phía đông. Từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm cấp 10 trở lên bán kính khoảng 120 km, từ cấp 6 trở lên bán kính khoảng 250-300 km.

Bóng màu xanh là vùng tâm bão có thể đi qua.

Như vậy, từ chiều tối nay, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, gió bão sẽ mạnh dần từ cấp 7 đến cấp 12. Biển động dữ dội. Từ sớm mai, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bình Thuận, gây gió mạnh từ cấp 7 đến cấp 12. Khoảng chiều tối mai, tâm bão có khả năng đi qua địa phận các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Bình Thuận, suy yếu đi một ít và đi sâu vào đất liền Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Các tỉnh này gió sẽ mạnh dần lên từ cấp 6 tới cấp 10.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận, nam Tây Nguyên và miền đông Nam Bộ có mưa to. Vùng ven biển từ Bình Định đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng cao do bão kết hợp với thủy triều cao 3-4 m, sóng biển cao 5-7 mét. "Bão hoạt động cùng thời kỳ gió mùa đông bắc mạnh nên gây gió rất mạnh, mưa lớn, nhiều khả năng gây lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất. Các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão cần khẩn trương chằng chống nhà cửa, bảo vệ công trình kiến trúc. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất, Trung tâm cảnh báo.

Diễn tiến cơn bão Durian

Ngày 25/11, bão Durian hình thành ở ngoài khơi Philippines.

Từ 25 đến 29/11, bão mạnh lên từ cấp 10 và có lúc đạt siêu bão (cấp 15). Chiều 29/11, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương phát bản tin đầu tiên về cơn bão này.

Đêm 29, ngày 30/11, bão đổ bộ vào quần đảo Philippines làm chết và mất tích ít nhất 500 người dân.

Ngày 1/12, bão mạnh cấp 15 đổ vào biển Đông và giảm xuống cấp 12-13.

Ngày 2/12, bão đã nhấn chìm một số thuyền của ngư dân Việt Nam. Đài khí tượng của Việt Nam và quốc tế đều cho rằng bão có khả năng đổ bộ vào Việt Nam.

Ngày 13/12, khả năng bão đổ bộ vào ven biển từ Phú Yên đến Bình Thuận vào chiều tối 4/12 đã chắc chắn. Thủ tướng chỉ đạo sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm trước sáng mai.

Theo VnExpress

Tin xem nhiều