Theo thống kê của Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em (DSGĐ&TE), cả nước hiện có 23 tỉnh mất cân bằng giới tính (nam đông hơn nữ), cần được theo dõi sát và có biện pháp cân bằng lại trong thời gian tới.
|
Theo thống kê của Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em (DSGĐ&TE), cả nước hiện có 23 tỉnh mất cân bằng giới tính (nam đông hơn nữ), cần được theo dõi sát và có biện pháp cân bằng lại trong thời gian tới.
Ngày 25/12, ông Nguyễn Văn Tân, Chánh văn phòng Uỷ ban DSGD&TE cho hay, ba vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL và Tây Nguyên chiếm 40% dân số cả nước có chỉ số giới tính khi sinh cao nhất: 108-113 nam/100 nữ, có địa phương 128 trẻ sơ sinh nam mới có 100 trẻ nữ. Tổng cộng đã có 23 tỉnh/thành có sự mất cân bằng giới tính ở mức 114-127 trai/100 gái.
Cũng theo điều tra tổng thể của Ủy ban DSGĐ&TE, tỷ số giới tính khi sinh của VN có xu hướng tăng từ 105 nam/100 nữ (năm 1989) lên 107-108 trẻ nam/100 trẻ nữ (2002-2006). Chỉ số này vẫn đang ở mức trung bình, nhưng giới hạn cao. Như vậy, tuy đã mất cân bằng giới tính ở một số tỉnh nhưng trên quy mô cả nước thì chưa. Do đó, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến này.
Đối với tình trạng sinh con thứ 3, Ủy ban DSGĐ&TE cho hay năm 2005-2006 giảm 3.000-4.000 con thứ 3. Kể từ năm 2002, năm 2006 là thời gian có số con thứ 3 đạt mức thấp nhất - 18,4%, giảm 2,3% so với năm 2005. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn còn đang rất bấp bênh, con số này phải duy trì được ít nhất 5 năm mới được coi là bền vững.
Hiện nay, mức tăng dân số của Việt Nam khoảng 1,2. Nếu duy trì đạt mức sinh thay thế, dân số Việt Nam sẽ ổn định kể từ năm 2040 ở mức 125 triệu người.
(Theo VNN)