Báo Đồng Nai điện tử
En

Cả dân và cán bộ cùng coi thường bão

10:12, 06/12/2006

Bão đến nhưng có địa phương các quan chức vẫn họp HĐND thay vì triển khai công tác chống bão. Ít nhất 50 người chết, 37 người mất tích, hàng trăm người bị thương và hàng chục ngàn căn nhà bị hư hại.

Bão đến nhưng có địa phương các quan chức vẫn họp HĐND thay vì triển khai công tác chống bão. Ít nhất 50 người chết, 37 người mất tích, hàng trăm người bị thương và hàng chục ngàn căn nhà bị hư hại.

Theo thông tin mới nhất mà VietNamNet nhận được từ cuộc họp giao ban vào tối 5/12 của BCH PCLB TƯ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Thuận và Tiền Giang là tâm điểm tàn phá nặng nề nhất của cơn bão mang tên "Quả sầu riêng" (Durian). Đây chính là những địa phương gánh chịu tổn thất  lớn về người và tài sản. Hiện Bộ Công an đã điều 150 cảnh sát cơ động thuộc trung đoàn 21 đóng tại Cần Thơ xuống Tiền Giang và Trà Vinh giúp chính quyền địa phương và người dân khắc phục hậu quả cơn bão.

Mặc dù bão đã đi qua những địa phương này, tuy nhiên, BCH PCLB TƯ yêu cầu các địa phương nói trên đề phòng mưa, triều cường có thể xảy ra tiếp sau khi cơn bão rút.

Ở những địa phương kể trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo tập trung triển khai khắc phục hậu quả, tiến hành phân loại mức độ thiệt hại và cứu trợ đối với những gia đình có người thân bị nạn, nhà cửa bị sập, tốc mái.

Mức độ "õng ẹo", "bất thường" của bão Durian khiến công tác dự báo "mệt bở hơi tai". Ba tỉnh được dự kiến bão sẽ đổ bộ vào và tàn phá mạnh nhất là Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau thoát nạn. Thay vào đó là Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long bất ngờ "lãnh đủ"

Cả dân và chính quyền đều "xem thường" bão

Trung tướng Phạm Nam Tào, Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, thành viên BCH PCLB TƯ nhận xét thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra là rất nặng nề. Mặc dù Phó Thủ tướng thường trực đã chỉ đạo rất quyết liệt tuy nhiên ở vùng Tây Nam Bộ, người dân và chính quyền địa phương còn chủ quan, lơ là. Điển hình là ở Tiền Giang, bão đã đến nhưng nơi đây vẫn đang tổ chức cuộc họp HĐND thay vì tập trung chỉ đạo nhân dân phòng chống lụt bão.

Một số địa phương, cán bộ và dân vẫn chủ quan khi bão đến.

Tại Tiền Giang, trước khi bão đến, người dân vẫn rất chủ quan. Cuộc sống thường nhật vẫn diễn ra đều đặn. Đối với người dân, bão có lẽ đang ở "tận đẩu tận đâu". Ở Gò Công (Tiền Giang), những người làm nghề đăng đáy vẫn được những ông chủ nhiều tiền chở ra biển trên những con tàu nhỏ để đánh bắt thủy hải sản. "Dân ở đây đặc biệt chủ quan. Bão vào, cá nhiều, ngư dân hám lợi trước mắt nên vẫn dong thuyền ra khơi. Chủ không cho thuyền ra đón, dân làm nghề thuê cũng chẳng biết vào bờ bằng cách nào. Có những người mẹ, khi bão vào, còn ôm con chạy ra đường hoặc không chịu di chuyển đến nơi an toàn. Điều này cho thấy không những chính quyền địa phương mà dân cũng rất lơ là" - trung tướng Phạm Nam Tào cho biết sau khi xuống tận Tiền Giang trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc chống bão.

Bến Tre: trại giam bị tốc mái

Tại Bến Tre, các trại giam, nhà tạm giữ của Bộ Công an ở Mỏ Cày, Giồng Chôm, Châu Bình, giam giữ khoảng 1.700 phạm nhân đã bị tốc mái và sập hư hại nặng. Trung tướng Nguyễn Nam Tào cho biết, khu K1, K2 (thuộc trại tạm giam Châu Bình)  bị thiệt hại nặng ước tính trên dưới 10 tỷ đồng. Các nạn nhân đã được di tản an toàn đến các trại giam khác, không có phạm nhân nào bị thương tích.

50 Người chết, 55 người mất tích...

Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát cho biết, các lực lượng tại Tiền Giang đang phối hợp tìm kiếm các nạn nhân mất tích trên biển. Tính đến chiều tối ngày 5/12, những tỉnh ở miền Tây sông Hậu như Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau vẫn an toàn. Theo báo cáo của Bộ trưởng Cao Đức Phát, ở Tiền Giang đã có 2 người chết (do bị phát bệnh trong lúc bão ập đến), 9 người mất tích. Trong đêm 5/12 và sáng mai (6/12), lực lượng cứu hộ vẫn triển khai tìm kiếm những ngư dân mất tích này.

Theo báo cáo của Biên phòng, tính đến 18h ngày 5/12, còn khoảng 89 tàu thuyền VN đang tránh bão ở vùng lãnh hải của Malaysia ở vĩ độ 5 độ 59 phút bắc và 102 độ 50 phút Đông.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng  cho biết hiện nay tại Bà Rịa- Vũng Tàu vẫn còn 16 người mất tích; ở Cần Giờ (TP.HCM), máy bay trực thăng đã cứu hộ được 4 người tuy nhiên vẫn còn 5 người mất tích; Tiền Giang vẫn còn 9 người mất tích; Bến Tre: 1 người và Vĩnh Long 3 người.

Phê bình chủ tịch các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long

Phó Thủ tướng đã phê bình chủ tịch các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long vì thái độ chủ quan của cán bộ trong công tác phòng chống lụt bão.  

Bà Rịa- Vũng Tàu, một trong những nơi bị bão số 9 tàn phá nặng nhất. (ảnh: Minh Cường)

Theo Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, bão đã qua 12 tỉnh ven biển gây ra tổng thiệt hại khá nặng nề, có thể mức thiệt hại trong thực tế còn cao hơn.

Hiện nay đã có 50 người chết, 55 người mất tích, hàng trăm người bị thương, khoảng 119.314 căn nhà bị sập, tốc mái; hệ thống điện lực, thông tin liên lạc, các công trình kiến trúc khác hưu hại nặng..Cơn bão diễn tiến rất nhanh, bất thường gây ra thiệt hại lớn. Điều đáng tiếc là ở một số nơi, các cấp chính quyền và người dân rất chủ quan gây nên những thiệt hại không đáng có. Cần phải rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo từ cơn bão này.

Trước mắt, Phó thủ tướng chỉ đạo tập trung thông báo cho người dân trên biển và đất liền tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động có kế hoạch đánh bắt ở khu vực biển Đông. Tuy nhiên, cần theo dõi dự báo thời tiết để biết tình hình phức tạp của thời tiết ở vùng biển Tây Nam vì có khả năng xảy ra mưa lớn, lốc xoáy ở vùng giáp đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu.

UBND các tỉnh phải tập trung cứu hộ những ngư dân mất tích. Nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra. Ổn định thị trường sau bão nhất là những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thuốc men, xi măng, sắt, thép...

Về mức hỗ trợ, Phó Thủ tướng cho biết, nhà bị sập do bão sẽ được hỗ trợ 5-6 triệu đồng; nhà hư hỏng: 2-3 triệu đồng, người chết: 2-3 triệu đồng, bị thương: 1-2 triệu đồng, cứu đói: 15kg gạo/tháng/hộ. Tuy nhiên, các địa phương có điều kiện hơn có thể bổ sung thêm.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, Phú Quốc là huyện đảo bị thiệt hại nặng nề nhất với 2.000 nhà sập, 860 tàu, thuyền bị chìm, đường điện, giao thông, công trình bị hư hại nặng.

Ngày 6/12, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng đoàn công tác đến thăm Bà Rịa- Vũng Tàu. (VietNamNet)

Tin xem nhiều