Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai mạc tuần lễ cấp cao APEC 2006

09:11, 13/11/2006

Ngày 12/11, các quan chức đến từ 21 nền kinh tế thành viên bắt đầu nhóm họp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, mở đầu cho hàng loạt sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trong tuần lễ APEC cấp cao lần thứ 14, từ ngày 12 đến hết 19/11. Dự kiến sẽ có khoảng 10.000 lượt khách quốc tế tới Hà Nội dịp này.

Ngày 12/11, các quan chức đến từ 21 nền kinh tế thành viên bắt đầu nhóm họp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, mở đầu cho hàng loạt sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trong tuần lễ APEC cấp cao lần thứ 14, từ ngày 12 đến hết 19/11. Dự kiến sẽ có khoảng 10.000 lượt khách quốc tế tới Hà Nội dịp này.

Hà Nội đón chào APEC. Ảnh: Hoàng Hà

Sau phiên họp không chính thức, ngày 13/11, các quan chức cấp cao APEC sẽ có phiên họp toàn thể, tổng kết lại những nội dung đã đề xuất và bàn thảo tại các kỳ họp SOM trước đây, hoàn tất các văn bản để trình lên Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo nền kinh tế thành viên APEC, sẽ diễn ra vào 18-19/11.

Cũng trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao APEC 2006, sẽ có hàng loạt sự kiện quan trọng khác như Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao -Kinh tế lần thứ 18 (từ 15 đến 16/11), Họp Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ABAC (từ 14 đến 16/11); và Hội nghị Thượng đỉnh các Tổng Giám đốc Doanh nghiệp CEO Summit (từ 17 đến 19/11).

Với chủ đề “Hướng tới một cộng đồng năng động vì phát triển bền vững và thịnh vượng”, tuần lễ cấp cao APEC 14 sẽ tập trung thảo luận vào các vấn đề kinh tế, chính trị trọng yếu mà các nền kinh tế thành viên đang gặp phải, cũng như sẽ phải đương đầu để tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai.

Kết thúc phiên họp ngày 19/11, lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên sẽ thông qua kế hoạch hành động mang tên Hà Nội, nhằm xúc tiến thực hiện các cam kết đã đề ra từ Hội nghị APEC lần thứ 13 ở Busan, hướng tới thực hiện mục tiêu Bogor về tự do và mở cửa thương mại, đầu tư.

Khánh thành trung tâm báo chí hàng đầu khu vực

Dự kiến có khoảng 600 phóng viên nước chủ nhà và 1.600 đồng nghiệp quốc tế sẽ tham gia đưa tin về tuần lễ cấp cao APEC 2006, đông gấp 3 lần so với hồi diễn ra Hội nghị Hợp tác Á - Âu (ASEM5). Trong đó đoàn Nhật Bản đông nhất, với hơn 300 phóng viên tháp tùng thủ tướng. Đoàn Mỹ sẽ có khoảng 100 phóng viên đi cùng với Tổng thống G.Bush, song nếu tính cả những đoàn phóng viên tiền trạm hoặc đi theo chương trình riêng, con số này lên đến gần 400 người. Riêng hãng thông tấn Mỹ AP có hơn 50 phóng viên trực tiếp tác nghiệp tại Việt Nam dịp này. Phần lớn phóng viên quốc tế đều được bố trí nghỉ tập trung tại 10 khách sạn trên địa bàn Hà Nội. Một số có yêu cầu riêng cũng được hỗ trợ tìm khách sạn bên ngoài.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tác nghiệp của báo giới, hôm 10/11, Việt Nam đã khánh thành một trung tâm báo chí quy mô lớn nhất từ trước tới nay, nằm ngay trong Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Trung tâm được xây dựng trên diện tích 4.000 m2, trên cơ sở tham khảo các hội nghị APEC trước, gồm 2 phòng làm việc chính cho phóng viên và các phòng làm việc dành riêng cho các hãng thông tân quốc tế có yêu cầu. 2 phòng làm việc chính có thể cho phép 300 phóng viên tác nghiệp cùng một lúc, với hệ thống hàng trăm dàn máy vi tính có cài đặt Internet, hàng trăm đầu chờ để cắm laptop. 2 phòng chính này cũng là nơi diễn ra các cuộc họp báo chính thức trong suốt thời gian diễn ra tuần lễ APEC 2006. Các phòng tác nghiệp của phóng viên nước ngoài có thể thu nhập tín hiệu, biên tập, truyền và phát hình thông qua vệ tinh.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được thành lập năm 1989 với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực và củng cố cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương.

APEC có 21 thành viên được gọi là các nền kinh tế thành viên, với 2,6 tỷ người, chiếm 40% dân số thế giới, 56% GDP và 48% giá trị thương mại toàn cầu.

Ngay từ đầu thành lập, APEC đã tiến hành giảm thuế và các rào cản thương mại khác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương nhằm tạo ra các nền kinh tế hiệu quả và tăng mạnh xuất khẩu. Các thành viên APEC đã đề ra “Mục tiêu Bogor” là thực hiện thương mại và đầu tư tự do và mở cửa trong khu vực trước năm 2010 tại các nền kinh tế thành viên phát triển và 2020 tại các nền kinh tế thành viên đang phát triển. Mục tiêu này đã được các nhà lãnh đạo thông qua tại Bogor, Indonesia năm 1994.

APEC hoạt động trên cơ sở các cam kết không ràng buộc, đối thoại mở và tôn trọng đồng đều quan điểm của các bên tham gia. Khác với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các thể chế thương mại đa phương khác, các quyết định trong APEC được đưa ra trên cơ sở đồng thuận và cam kết được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.

Việt Nam nộp đơn gia nhập tháng 6/1996 và kết nạp năm 1998.

(Theo VNE)
Tin xem nhiều