Chiều 18/11, sau phiên họp kín đầu tiên, các nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC đã ra Tuyên bố về chương trình nghị sự phát triển Doha của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Chiều 18/11, sau phiên họp kín đầu tiên, các nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC đã ra Tuyên bố về chương trình nghị sự phát triển Doha của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Theo đó, các lãnh đạo kinh tế APEC chúc mừng Việt
Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết tập thể và của từng nền kinh tế thành viên nhằm ký kết được một Hiệp định Doha tham vọng và cân bằng. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần khẩn trương tháo gỡ những bế tắc hiện nay và đưa các cuộc đàm phán quay lại lộ trình để kịp thời kết thúc. Vòng đàm phán Doha thành công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giảm nghèo đói. Điều này sẽ được thực hiện thông qua việc tạo ra các luồng thương mại mới và giải quyết một cách hiệu quả các khía cạnh phát triển.”
Các lãnh đạo kinh tế APEC cũng khẳng định, các nền kinh tế APEC đã có truyền thống đáng tự hào về vai trò đầu tàu đối với các vấn đề WTO, và đã sẵn sàng phá vỡ thế bế tắc hiện nay bằng cách mỗi thành viên sẽ đi xa hơn những cam kết hiện tại trong các lĩnh vực chủ chót của Vòng đàm phán Doha. Điều đó có nghĩa là cắt giảm hơn nữa hỗ trợ nông nghiệp có tác động bóp méo thương mại của các đối tác lớn, mở rộng tiếp cận thị trường trong nông nghiệp, cắt giảm thực sự thuế quan hàng công nghiệp và đưa ra những cam kết mới về mở cửa thị trường dịch vụ, trong khi giải quyết một cách nghiêm túc những quan ngại và những vấn đề nhạy cảm của các thành viên. “Tất cả những thành viên APEC đều sẵn sàng đi tiên phong trong lĩnh vực này, nhưng những thành viên WTO khác cũng phải thể hiện quyết tâm và sự sẵn sàng”, tuyên bố nêu rõ.
Doha là gì? |
Vòng đàm phán Doha được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bắt đầu tiến hành tại Doha, Qatar năm 2001 bàn về mục tiêu cắt giảm các rào cản thương mại toàn cầu, với tiêu điểm thực hiện thương mại công bằng đối với tất cả các nước thành viên.WTO dự kiến vòng đàm phán này sẽ kết thúc vào năm 2005, tuy nhiên tiến độ đàm phán đã không được như mong muốn sau hàng loạt hội nghị tại Cancun (2003), Geneva (2004), và mới đây nhất là tại Hongkong (2005). Các nước thành viên đã không tìm được tiếng nói chung đối với hàng loạt vấn đề kỹ thuật quan trọng trong đó có cắt giảm thuế nông nghiệp, trợ cấp, tiếp cận thị trường phi nông sản (NAMA), dịch vụ. Trợ cấp trong nông nghiệp và mở cửa thị trường là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong đàm phán, chia rẽ sâu sắc các nước phát triển và đang phát triển. Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy phải tuyên bố tạm ngưng vòng đàm phán vào tháng 7/2006 sau khi phiên họp của “6 bên" gồm Mỹ, EU, Nhật, Úc, cùng với Brazil và Ấn Độ là đại diện cho các nước đang phát triển rơi vào bế tắc. Trước vòng đàm phán Doha là vòng đàm phán Uruguay kéo dài 8 năm và kết thúc vào năm 1994 sau khi đã thông qua 60 thỏa thuận, phụ lục, quyết định,và ghi nhớ. Tuy nhiên sau khi vòng đàm phán Uruguay khép lại, các nước đang phát triển cảm thấy phần lớn lợi ích mà thương mại quốc tế mang lại rơi vào túi của các nước giàu. |