Câu chuyện tăng giá than chưa kịp nguội thì thông tin tăng giá điện đã bắt đầu “nóng” lên. Chỉ cách đây ít ngày, liên Bộ Tài chính - Công nghiệp đã tiếp tục bàn đến phương án tăng giá đối với điện sản xuất và sinh hoạt.
Câu chuyện tăng giá than chưa kịp nguội thì thông tin tăng giá điện đã bắt đầu “nóng” lên. Chỉ cách đây ít ngày, liên Bộ Tài chính - Công nghiệp đã tiếp tục bàn đến phương án tăng giá đối với điện sản xuất và sinh hoạt.
Tăng giá điện để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. |
Tăng giá điện có tăng giá các mặt hàng?
Theo đó, về cơ bản, Bộ Tài chính chấp nhận phương án tăng giá điện bình quân khoảng 8,8% (từ 783 đồng/KWh lên 852 đồng/KWh) mà Bộ Công nghiệp đề xuất.
Các mức tăng này được tính toán dựa trên yếu tố tiết kiệm chi phí sản xuất và tỷ lệ tổn thất điện năng của ngành điện giảm được khoảng 0,2% mỗi năm. Dự kiến khi áp dụng mức giá mới, lợi nhuận thu được cho ngành điện sẽ tăng khoảng 3%, tương đương 1.500 tỷ đồng mỗi năm.
Theo biểu giá mới, mức điều chỉnh đối với các hộ sử dụng dưới 100 KWh dự kiến sẽ là 620 đồng/KWh, thay vì 550 đồng như hiện nay. Đối với các hộ sử dụng dưới 400 KWh/tháng thì mức giá là 1.695 đồng thay cho mức 1.400 đồng/KWh như hiện nay. Nếu vượt qua định mức này, mỗi KWh sẽ bị tính 1.780 đồng.
Giá bán lẻ điện ưu đãi dành cho các ngành sản xuất đặc thù như nước sạch, bơm tiêu úng, luyện thép, sản xuất urê, phốt pho... sẽ được điều chỉnh vào năm 2008.
Ngoài ra, thực hiện giảm dần bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt, trong phương án trình Chính phủ, liên Bộ Tài chính - Công nghiệp cũng đề nghị tăng mạnh giá bán điện cho sản xuất vào giờ cao điểm, giữ nguyên giá vào giờ bình thường và giờ thấp điểm, mức tăng chung khoảng 12%.
Riêng điện sinh hoạt, theo tính toán của liên bộ, do được bù chéo nên mức tăng không nhiều so với điện sản xuất.
Trả lời Tiền phong, một quan chức Bộ Tài chính cho hay: Sở dĩ bộ này có quan điểm đồng ý cho ngành điện tăng giá sớm 1 tháng so với dự kiến trước đó là do tình hình kiểm soát lạm phát năm nay rất lạc quan.
Theo tính toán của các nhà điều hành, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2006 chắc chắn chỉ xoay quanh 7% trong khi tăng trưởng GDP năm nay có thể lên tới 8,2%.
“Đây chính là điều kiện thuận lợi để điều hành giá. Chúng tôi đã tính toán và nhận thấy giá điện có thể tăng được trong thời điểm này” - vị quan chức này nhấn mạnh.
Theo ông, việc tăng giá điện sẽ có tác động tăng thêm CPI cả năm khoảng 0,25%, không làm biến động nhiều giá cả và như vậy vẫn đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là CPI dưới 7,5%.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, cùng với phương án tăng giá than từ 1/1/2007 với mức tăng khoảng 20% đối với các hộ tiêu dùng xi măng, phân bón, giấy và theo lộ trình đối với điện, chắc chắn việc tăng giá điện sẽ gây áp lực khá mạnh lên các ngành sản xuất khác.
Dù việc tăng giá điện chỉ tăng mạnh đối với điện sử dụng trong sản xuất vào những giờ cao điểm nhưng chắc chắn với vị trí là “đầu vào” của rất nhiều ngành sản xuất, thì dù có muốn tiết kiệm điện hay tính toán giờ giấc đến đâu các DN vẫn phải đau đầu trước bài toán chi phí.
“Giá điện tăng sẽ đội chi phí khiến các nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng theo”- Ông Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Nghiên cứu giá (Bộ TC) từng khẳng định.
Cần một lộ trình công khai, minh bạch
Theo tính toán của Tổng Cty điện lực Việt Nam (EVN), tiêu thụ điện năng của cả nước năm 2006 khoảng 60 tỷ KWh; trong đó lượng điện EVN sản xuất được đáp ứng khoảng 70%, còn khoảng 30% phải mua của đối tác khác.
Năm 2007, EVN dự tính: lượng điện tiêu thụ có thể lên 67 tỷ KWh. Trong khi đó, theo ông Mai Quốc Hội, Trưởng ban Tài chính kế toán EVN thì cũng trong năm này, lượng điện EVN phải mua thêm của các đối tác khác có thể sẽ chiếm tới 50,17%.
“Nếu vẫn phải bù lỗ 285,3 đồng/KWh điện theo giá hiện tại thì tính trên tổng sản lượng điện phải mua ngoài năm 2007, EVN sẽ lỗ khoảng 4.024 tỷ đồng. Nếu tăng giá điện với mức dự kiến trên thì số tiền phụ trội thu được vừa đủ cho EVN bù vào” - Một đại diện của EVN khẳng định.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng việc tăng giá điện là không tránh khỏi nhưng ông nhấn mạnh 3 vấn đề cần được công khai, minh bạch khi tiến hành tăng giá điện.
Đó là: 1 - Trước đây từng có một công trình nghiên cứu về việc ngành điện tăng giá nhưng không đầu tư cho ngành. Người dân muốn biết đồng tiền đó được sử dụng thế nào.
2 - Ngành kiểm toán cũng từng kiểm toán đối với ngành điện. Vậy kết quả kiểm toán, kế toán, chi phí ngành điện thế nào người dân rất quan tâm.
3 - Tổn thất điện năng của ngành điện đang quá cao. Nếu tăng giá, ngành điện cần phải có một lộ trình công khai để người dân được biết.
Trước thực tế tác động tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và tiêu dùng, ông Lê Đăng Doanh đề xuất: Trước khi quyết định đồng ý tăng giá điện, Chính phủ rất nên có một nhóm chuyên gia độc lập (có thể gồm đại diện Hội khoa học kỹ thuật, chuyên gia kinh tế, giá...) vào cuộc tìm hiểu và phân tích kỹ xem chi phí ngành điện hiện đã hợp lý hay chưa, nên tăng như thế nào với một lộ trình rõ ràng, công khai, minh bạch để người dân có thể yên tâm biết những đồng tiền mình đóng góp đang được “tiêu” ra sao.
Tăng giá để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư
Theo một quan chức ngành điện lực, hiện EVN đang nhận nợ vốn vay đầu tư của các ngân hàng trong nước và ngoài nước 59.385 tỷ đồng. Nếu EVN bị lỗ, rất có thể các ngân hàng sẽ rút vốn cho vay. Bộ trưởng Hoàng Trung Hải thẳng thắn thừa nhận rằng, một trong những mục tiêu của việc điều chỉnh giá điện là để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư. “Tăng giá điện sẽ là yếu tố thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như đầu tư gián tiếp thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước và quốc tế” - Ông Hải nói. V.V.Thành |
Theo Tiền Phong