Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày 1/11: Bão Cimaron nhiều khả năng đổ bộ vào miền Trung

07:10, 30/10/2006

Nhiều khả năng trưa ngày 1/11, bão Cimaron (bão số 7) sẽ đổ bộ vào miền Trung, cụ thể là đổ bộ vào các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Đó là nhận định ngày 30/10 của nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn trong nước và nước ngoài.

Ảnh mây vệ tinh của Đài khí tượng Hong Kong. Chấm đen trong vòng xoáy trắng là mắt bão.

Nhiều khả năng trưa ngày 1/11, bão Cimaron  (bão số 7) sẽ đổ bộ vào miền Trung, cụ thể là đổ bộ vào các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Đó là nhận định ngày 30/10 của nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn trong nước và nước ngoài.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo, cơn bão số 7 có sức gió lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng và hướng di chuyển phức tạp hơn cơn bão số 6 đã gây thiệt hại nặng nề về người và của tại các tỉnh miền Trung tháng 10 vừa qua.

Theo nhận định của các nhà khoa học, ngày mai (31/10), sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường ở miền Bắc nước ta. Bão số 7 sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, hoặc hơi lệch xuống giữa Tây và Tây Tây Nam, hướng về miền Trung. Bắt đầu từ trưa nay, khu vực Biển Đông gió sẽ mạnh dần lên, thời tiết khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều mây, có mưa rào và giông, tập trung vào chiều tối và đêm. Các tỉnh ven biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ven sông Tiền, sông Hậu sẽ có mưa nhiều hơn.

Sau khi đổ bộ vào đảo Luzông (Philippines), bão Cimaron đã suy yếu một ít, nhưng vẫn mạnh cấp 14-15, tức là tương đương với sức mạnh cơn bão Xangsane.

Cimaron là cơn bão số 22 trong vùng tây bắc Thái Bình Dương, hình thành từ ngày 26/10 tại ngoài khơi phía đông Philippines. Hiện nay bão đã được nâng lên cấp siêu bão (Super Typhoon) với sức gió 259 km một giờ, giật trên 315 km một giờ.  

Hiện nay, do có vùng xoáy thấp hoạt động ở khu vực Nam biển Đông, đồng thời phần đuôi của cơn bão sẽ làm cho gió mạnh kèm theo giông, gió giật và mưa to. Vì vậy, các nhà khoa học lưu ý các tàu thuyền không nên ra khơi và không đi về phía Đông, Đông Bắc. Nhiều khả năng trong ngày nay và ngày mai, bão số 7 chưa đổ bộ vào đất liền, nhưng hoạt động của nó sẽ làm cho thời tiết trên biển rất xấu có mưa, giông và gió mạnh, biển động dữ dội.

Trước những cảnh báo trên của các nhà khoa học, để chủ động đối phó với cơn bão số 7, hiện nay các bộ, ban, ngành trong cả nước đã có công điện yêu cầu các địa phương khẩn trương phòng chống bão. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có Công điện gửi các Bộ, Ngành liên quan và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) các tỉnh, thành phố ven biển, đề nghị thông báo cho chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển thông tin về cơn bão số 7 để chủ động phòng, tránh; kiểm tra chặt chẽ và nắm chắc số lượng số lượng tàu, thuyền và số người trên tàu, thuyền đang hoạt động trên biển; chuẩn bị các phương án phòng, tránh và tổ chức trực ban nghiêm túc. Phân ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão miền Nam cũng có Công điện cảnh báo bão gửi Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Kiên Giang và các ngành liên quan thuộc tỉnh, đề nghị tổ chức kiểm tra và triển khai ngay biện pháp gia cố các đoạn đê, kè biển xung yếu để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất của nhân dân; thông báo cho các tàu đang hoạt động đánh bắt ngoài khơi biết thông tin về cơn bão Cimaron để chủ động phòng, tránh.

Ảnh minh họa 

Mắt bão đen tròn, rất rõ - Ảnh từ mạng JTWC của Hải quân Hoa Kỳ 

Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo PCLB&TKCN Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng đã có Công điện chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị Biên phòng tuyến biển từ Thanh Hóa đến Kiên Giang, theo dõi sát diễn biến của bão và phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình các chủ tàu để thống kê số lượng tàu và người đang hoạt động đánh bắt ngoài khơi, thông báo cho chủ các tàu này biết thông tin về cơn bão số 7 để họ chủ động phòng chống, nhằm tránh thiệt hại tối đa về người và của.

Miền Trung: Khẩn cấp chuẩn bị đối phó bão Cimaron

Tại Đà Nẵng,
sáng nay 30/10, Chủ tịch UBND TP Trần Văn Minh đã có cuộc họp khẩn với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) và các ban ngành, địa phương của TP để triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng tránh bão Cimaron. Có thể thấy ai nấy đều tỏ ra khá căng thẳng và âu lo.

Theo báo cáo của Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đà Nẵng, khoảng 100 tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân TP với trên 530 lao động hiện còn ngoài khơi. BĐBP Đà Nẵng đang tiếp tục liên lạc, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.

Ảnh minh họa 

Lãnh đạo TP Đà Nẵng họp khẩn với các ban ngành, địa phương bàn biện pháp phòng chống bão Cimaron  

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đề nghị các quận huyện, các ngành cần rút kinh nghiệm qua việc phòng tránh cơn bão số 6 về dự báo thời tiết, công tác chỉ huy và di dời dân ở những vùng xung yếu. Đặc biệt, các địa phương cần xác định đúng những điểm an toàn để có phương án sơ tán dân một cách thích hợp, an toàn, đạt hiệu quả cao.

 

Trước mắt, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng quyết định cấp cho huyện Hoà Vang 100 triệu đồng và các quận, huyện còn lại mỗi nơi 50 triệu đồng để chuẩn bị nguồn lương thực tại chỗ, kịp thời đảm bảo cung ứng cho dân. Bổ sung cho ngành y tế 3 máy phát điện dự phòng chuẩn bị cho công tác cấp cứu nạn nhân, mỗi quận huyện 1 máy phát điện dự phòng, đài phát thanh - truyền hình 2 máy phát điện dự phòng…

 

Ông Trần Văn Minh cũng yêu cầu Sở VH-TT kiểm tra, rà soát và tháo dỡ tất cả các biển quảng cáo có nguy cơ gãy đổ. Sở Giao thông – Công chính và Sở Xây dựng triển khai ngay việc thu dọn các thiết bị xây dựng có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của người dân.

Phó Chủ tịch UBND, trưởng Ban chỉ huy PCLB TP Đà Nẵng Trần Phước Chính đề nghị các quận, huyện từ chiều nay triển khai ngay việc vận động nhân dân và các cơ quan, trường học, bệnh viện tổ chức chèn chống nhà cửa thật chu đáo. Đồng thời chuẩn bị ngay phương án sơ tán dân khi có tình huống xấu xảy ra.

Tại Quảng Ngãi, cũng trong sáng 30/10, tin từ Văn phòng UBND tỉnh cho hay, Phó Chủ tịch – trưởng Ban chỉ huy PCLB tỉnh Trương Ngọc Nhi đã họp với các thành viên Ban Chỉ huy và lãnh đạo các huyện ven biển của tỉnh để triển khai công tác phòng chống bão Cimaron.

 

Ông Trương Ngọc Nhi yêu cầu các ngành chức năng và địa phương phải nắm chắc, tổng hợp và từ 16h – 21h hôm nay (30/10) phải báo cáo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh toàn bộ số lượng tàu thuyền của tỉnh hiện còn ngoài khơi. Nếu huyện nào không báo cáo mà bị bão gây thiệt hại thì Chủ tịch UBND xã, huyện đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

 

Đồng thời các ngành, địa phương phải liên tục theo dõi, dùng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền còn ở ngoài khơi tìm cách tránh bão an toàn. Tàu thuyền đã vào bến thì chỉ khi nào có lệnh của cấp thẩm quyền mới được ra khơi và phải được sắp xếp neo đậu có trật tự, an toàn.

 

(Theo TTXVN, VNE)

Tin xem nhiều