Ngày 17-9, tại Đà Nẵng đã họp phiên toàn thể Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ III (SOM III) và đây là phiên kết thúc Hội nghị SOM III.
Sau hai tuần làm việc tích cực và khẩn trương, Hội nghị APEC SOM III và các Hội nghị liên quan đã đạt được các mục tiêu đề ra trước hội nghị.
Trong bối cảnh Vòng đàm phán Doha bế tắc, các cuộc đàm phán bị tạm ngừng, Hội nghị đã thống nhất quyết tâm kêu gọi các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế có vai trò quan trọng, nối lại đàm phán càng sớm càng tốt; ủng hộ SOM đệ trình nội dung này lên cuộc họp liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế và các Nhà Lãnh đạo APEC vào cuối năm tại Hà Nội để thảo luận và đưa ra quyết sách.
SOM nhất trí đánh giá Hội nghị Cấp cao APEC cuối năm nay sẽ có ý nghĩa đặc biệt đối với Vòng đàm phán Doha, có thể giúp tái khởi động và làm hồi sinh các cuộc đàm phán. Trong bối cảnh đó, SOM tin tưởng Việt Nam sẽ có đóng góp quyết định với vai trò chủ nhà chủ trì hội nghị.
Hội nghị đã cơ bản thông qua được dự thảo Kế hoạch hành động Hà Nội thực hiện Lộ trình Busan hướng đến mục tiêu Bogor do Việt Nam chủ trì đề xuất. Kế hoạch hành động Hà Nội được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình APEC, giúp các nền kinh tế thành viên triển khai có hiệu quả các định hướng lớn trong Lộ trình Busan được các nhà Lãnh đạo APEC thông qua năm ngoái tại Hàn Quốc.
SOM đã bàn 14 dự thảo các điều khoản mẫu tham chiếu cho việc xây dựng các thỏa thuận tự do thương mại khu vực và song phương (RTA/FTA) trong APEC và nhất trí giao Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) nghiên cứu kỹ các điều khoản trong 9 lĩnh vực sau để báo cáo lên Hội nghị SOM tổng kết (CSOM), diễn ra vào ngày 12 và 13/11 tới tại Hà Nội, bao gồm thương mại hàng hóa, thủ tục xuất xứ hàng hóa, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, điều khoản tự vệ, thương mại dịch vụ, minh bạch hóa, giải quyết tranh chấp, mua sắm chính phủ, và hợp tác.
Dự kiến sẽ có khoảng 5-6 điều khoản được CSOM trình các Bộ trưởng thông qua. Đây sẽ là một kết quả cụ thể quan trọng trong năm APEC Việt Nam 2006.
SOM đã thông qua dự thảo Chương trình hành động về thuận lợi hóa thương mại nhằm giảm 5% chi phí giao dịch giai đoạn 2006-2010.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để thảo luận về Cải cách APEC. Đây là lần đầu tiên vấn đề này được đưa ra thảo luận sâu rộng với sự tham gia tích cực của tất cả các nền kinh tế thành viên. Chủ nhà Việt Nam đã đưa ra 3 hướng cải cách APEC là tăng cường “hiệu quả hoạt động, liên kết hoạt động và năng động hoạt động” của APEC.
Những hội nghị do Việt Nam tổ chức và chủ trì đã gây nhiều chú ý như Đối thoại giữa Hải quan và Doanh nghiệp khu vực APEC, Hội thảo giữa OECD và Nhóm chuyên gia đầu tư APEC về Khuôn khổ chính sách đầu tư, Hội nghị Mạng lưới liên lạc về giới, và đặc biệt là Hội thảo về chống tham nhũng và minh bạch hóa trong APEC.
Tại cuộc họp báo ngay sau khi kết thúc phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng khẳng định trong những điều đạt được tại SOM III lần này, điều quan trọng nhất là APEC 2006 Việt Nam mở đầu cho sự cải cách của APEC. (TTXVN)