Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội: Từng bước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

06:05, 19/05/2006

Ngày 19-5, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường Ba Đình để thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội. QH đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hoài Thu trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội.

Ngày 19-5, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường Ba Đình để thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội. QH đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hoài Thu trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội. Đây là dự án luật đã được các đại biểu QH thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và các đại biểu QH chuyên trách thảo luận ngày 21 và 22-2-2006. Thảo luận về dự án luật này, các đại biểu QH đều nhận xét, báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu QH và chỉnh lý vào dự thảo luật. Về cơ bản các ý kiến nhất trí với dự thảo. Tuy nhiên về một số nội dung các ý kiến còn khác nhau như phạm vi điều chỉnh của luật. Dự thảo luật quy định phạm vi điều chỉnh gồm: bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện hành (chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện (trong đó bảo hiểm xã hội tự nguyện được quy định tương tự như bảo hiểm xã hội bắt buộc). Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành như dự thảo với lập luận rằng, quan hệ bảo hiểm xã hội bắt buộc đã được định hình, phát huy tác dụng tốt trong thực tế, do đó sẽ quy định cụ thể hơn và thể hiện có sự liên thông giữa bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Còn bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp là những vấn đề mới, sẽ có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện như một số ý kiến còn băn khoăn của đại biểu. Vì vậy, dự án luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc, làm cơ sở để Chính phủ sẽ quy định chi tiết phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ an sinh xã hội trước mắt và lâu dài. Vấn đề thứ hai là tuổi được hưởng lương hưu đã được nhiều đại biểu QH đề cập (Điều 50). Nhưng nhìn chung các ý kiến đều tán thành như quy định trong dự thảo và lập luận của Ủy ban Thường vụ QH trong báo cáo giải trình. Tuy vậy, có ý kiến đề nghị giảm tuổi cho một số lao động trực tiếp sản xuất. Điều 60 quy định về: Mức bình quân tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật này có hiệu lực. Dự thảo đưa ra hai phương án. Một là, tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưởng lương hưu. Hai là, tính bình quân của toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành có phân loại đối tượng như phương án 1, nhưng đề nghị tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưởng lương hưu. Cũng có ý kiến đề nghị tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của năm năm hoặc bảy năm cuối. Mức lương hưu quy định tại Điều 52 của dự thảo cũng là vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận. Đa số ý kiến tán thành quy định mức khống chế là 75% (khoản 1). Một số ý kiến đề nghị bỏ khoản 2 điều này, quy định: Cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 1%, vì bất lợi cho người lao động.

Các ý kiến còn đề cập một số vấn đề khác, như: quản lý quỹ bảo hiểm, trợ cấp một lần trước khi nghỉ hưu, thanh tra bảo hiểm, bảo hiểm ốm đau, thai sản, chi phí quản lý quỹ bảo hiểm xã hội...

Hôm nay 20-5, QH tiếp tục làm việc tại hội trường. (TTXVN)

Tin xem nhiều