(ĐN) - Ngày làm việc thứ 3 trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC lần II (SOM II) với 10 cuộc họp.
(
ĐN) - Ngày làm việc thứ 3 trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC lần II (SOM II) với 10 cuộc họp. Trong đó, ngoài những vấn đề đưa ra ngày đầu tiên và ngày thứ hai còn tiếp tục bàn thảo như nhóm Phát triển nguồn nhân lực (HRDWG), nhóm Chuyên gia không chính thức về đi lại của doanh nhân (IEGBM); Hội nghị mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC) và Đối thoại công - tư về thuận lợi hóa thương mại, thì đã có thêm 4 cuộc họp đầu tiên với những vấn đề của Nhóm tiếp cận thị trường (MAG), Nhóm công tác về xây dựng năng lực hội nhậpWTO (WTOBWG), Nhóm công tác về dịch vụ (GOS) và cuộc họp trù bị của các trưởng đoàn dự Hội nghị của Ủy ban Thương mại và đầu tư APEC (CTI).* Nguồn nhân lực sẽ quyết
định mức độ và hiệu quả hội nhập của nền kinh tế"Khả năng và mức độ hội nhập của một nền kinh tế theo các tiêu chí về độ mở của nền kinh tế như: xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài và lượng khách du lịch quốc tế". Thế nhưng cách tiếp cận này vẫn chưa phản ảnh đúng thực tế mà theo nhóm nghiên cứu của Đại học Hồng Kông do Tiến sĩ Kui Wai Li dẫn đầu, đã đưa ra kết luận trong phiên họp sáng nay của Mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC), thì: "Các nhân tố nội tại của một nền kinh tế sẽ quyết định mức độ và hiệu quả hội nhập toàn cầu của nền kinh tế đó". Qua phân tích của hơn 60 nền kinh tế thế giới trong giai đoạn 1998-2002, về mối quan hệ giữa nội lực của nền kinh tế với mức độ hội nhập quốc tế của nhóm nghiên cứu, thì những nền kinh tế nào phát huy được các yếu tố nội lực tốt sẽ thu lợi được nhiều từ quá trình hội nhập, do đó mức độ hội nhập cũng cao hơn các nền kinh tế khác. Ông Kui Wai Li cho rằng có một ngưỡng tối ưu đối với các nhân tố nội lực mà chỉ sau khi đạt đến đó thì hội nhập kinh tế quốc tế mới phát huy đầy đủ, hiệu quả; còn nếu nội lực chưa đạt ngưỡng tối ưu đó thì nên tập trung cải thiện các yếu tố nội tại chứ không nên ưu tiên quá nhiều cho hội nhập vì như vậy sẽ không hiệu quả, không tăng được GDP bình quân đầu người như mong muốn.
Ông Christopher J. Watson, đến từ Bộ Lao động Hoa Kỳ ở Washington DC cho biết : "Sáng nay chúng tôi đã bắt đầu thảo luận chương trình nghị sự, trong đó vấn đề Việt Nam - trọng tâm của APEC 2006 - cũng rất quan tâm là phát triển nguồn nhân lực. Chúng tôi cũng sẽ thảo luận về cách ứng xử của các cơ quan, doanh nghiệp đối với những người nhiễm HIV-AIDS". Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Đồng Nai về một lịch làm việc dày đặc của HRDWG và mục tiêu của nhóm nhắm tới trước khi trình lên Hội nghị các Bộ trưởng Lao động của APEC sẽ họp tại Thái Lan vào tháng 10 năm nay, Trưởng nhóm nghiên cứu về Phát triển nguồn nhân lực, Giáo sư Nigel A.F.Haworth đến từ New Zealand cho rằng : 3 ngày làm việc của nhóm HRDWG vẫn đang thảo luận những vấn đề sẽ đặt ra tại Hội nghị Bộ trưởng về Lao động họp tại Thái Lan vào tháng 10-2006, trong đó sẽ quan tâm đến những sáng kiến về sử dụng công nghệ mới, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, phát triển nguồn nhân lực cao phục vụ cho nhu cầu phát triển của các nền kinh tế thành viên APEC. Ông Nigel cũng nhận định rằng, Việt Nam đã ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cả về chất lượng cũng như khối lượng, ưu tiên này của Việt Nam cũng giúp cho HRDWG kiểm định lại xem mình đã thực hiện được những gì. Và mục tiêu của HRDWG là đưa ra được những vấn đề cụ thể để cùng xem xét nhằm phục vụ cho mục tiêu chiến lược đầy thách thức mà lộ trình Busan đã đặt ra.
* Chống tham nhũng và quản trị - kinh nghiệm từ Philippines
Khác với Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Kui Wai Li, Nhóm nghiên cứu của bà Jenny D. Balboa thuộc Viện nghiên cứu phát triển Philippines lại đặt vấn đề về Mối quan hệ giữa chống tham nhũng và quản trị - kinh nghiệm của Philippines. Theo các tác giả, điều kiện tiên quyết để có quản trị tốt là có sự ủng hộ của nhân dân; cơ chế trách nhiệm cụ thể và minh bạch hóa thông tin; cơ chế phân chia quyền lực; thực hiện kiểm toán nội bộ và độc lập một cách hiệu quả; các biện pháp hiệu quả chống tham nhũng và tệ thân quen; tính hiệu quả của các công chức; hệ thống tư pháp không thiên vị và dễ tiếp cận và chính quyền không được phép sử dụng quyền lực một cách tùy tiện.
Từ kinh nghiệm thành công và chưa thành công của Philippines, nhóm nghiên cứu đề xuất chiến lược chống tham nhũng gồm 10 biện pháp sau : Giảm cơ hội tham nhũng thông qua cải cách chính sách và nới lỏng các quy định; tăng cường sự giám sát của quần chúng; cải tổ quy trình phân bổ ngân sách; cải thiện công tác đánh giá cán bộ, đảm bảo cơ hội cho những người có năng lực; tập trung chống tham nhũng tại một số bộ, ngành cụ thể chứ không dàn trải; tăng cường chế tài đối với tham nhũng; thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ với khu vực tư nhân trong chống tham nhũng và cải cách hệ thống tư pháp.
Theo Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Học viện quan hệ quốc tế (Bộ Ngoại giao), Việt Nam mới thành lập Trung tâm nghiên cứu các nền kinh tế thành viên APEC năm ngoái, tuy nhiên Việt Nam cũng đã tiếp cận những vấn đề đặt ra của Trung tâm nghiên cứu này là nâng cao sự hiểu biết của các thành viên, đưa ra các đánh giá về chiều hướng phát triển của các nước và cả khuyến nghị cho các nhà lãnh đạo APEC, xuất bản các ấn phẩm. Vấn đề hiện nay các trung tâm đang quan tâm là tiếp cận thực hiện mục tiêu trong lộ trình Busan (Korea 2005), đó là vấn đề tự do hóa thương mại và đầu tư; các vấn đề về an ninh; chống tham nhũng trong các nước thành viên; trao đổi du lịch và nâng cao ý thức văn hóa; cải cách APEC và hướng tới một cộng đồng hành động.
Kim Loan