Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày làm việc thứ hai Đại hội X:
Ý kiến tâm huyết đóng góp với Đảng

06:04, 19/04/2006

Sáng ngày 19-4, các đại biểu dự Đại hội Đảng X làm việc ở Đoàn, thảo luận các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội. Buổi chiều, thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn An, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp, nghe báo cáo tham luận của đại biểu các Đoàn.

Sáng ngày 19-4, các đại biểu dự Đại hội Đảng X làm việc ở Đoàn, thảo luận các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội. Buổi chiều, thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn An, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp, nghe báo cáo tham luận của đại biểu các Đoàn.

Sáng 19-4-2006, các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X họp tại tổ thảo luận về các văn kiện của đại hội. Trong ảnh: Các đại biểu giao lưu tại Đại hội. (Ảnh: TTXVN)

Tham luận về nội dung "Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", đồng chí Nguyễn Văn Sáu, Đoàn đại biểu Cơ quan Trung ương về công tác tư tưởng đánh giá: Trước hết, cần đi sâu nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lê nin một cách cơ bản và hệ thống nhằm tiến tới nhận thức khoa học và hiện đại để làm sáng tỏ những giá trị còn thật sự đúng đắn, bền vững, cần thiết cho thế giới quan, ý thức hệ của chúng ta. Đánh giá những luận điểm của các nhà kinh điển vốn đúng đắn, chính xác, hợp lý ở thời kỳ lịch sử trước đây khi các ông đề xướng nhưng ngày nay thực tiễn biến đổi, đã không còn phù hợp nữa, đòi hỏi phải có những nhận thức, những phát triển mới. Cần nghiên cứu với tinh thần phê phán để thấy có những luận điểm mà các nhà kinh điển nêu ra nhưng ngay từ đầu đã không đúng và chính các nhà kinh điển cũng đãđiều chỉnh mà ngày nay chúng ta cần phải nhận rõ, cần tự giải phóng tư duy và tư tưởng của chính mình để phát triển mới chứ không lệ thuộc. Nghiên cứu với tinh thần tự phê bình và tự đổi mới để thấy cho rõ nhiều luận điểm, tư tưởng của các nhà kinh điển đã từng bị hiểu sai, làm sai do giáo điều, do hạn chế nhận thức dẫn tới. Bằng sức mạnh tư duy khoa học phải vượt qua những hạn chế đó, phải làm chính xác những tư tưởng đích thực là của Mác-Lê nin. Khâu quyết định đối với việc chúng ta có tiếp tục xây dựng nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và làm sáng tỏ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hay không là công tác nắm bắt kịp thời tổng kết chính xác thực tiễn kinh tế - xã hội, chính trị, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, tinh thần của thời đại và cuộc sống sôi động của đất nước. Không tiến hành có hiệu quả nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, Đảng và nhân dân ta không thể góp phần tạo ra cho lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội sinh lực và xung lực trong thời đại mới; càng không thể khai mở ngày càng sáng tỏ con đường Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội.

Về xây dựng giai cấp công nhân, đồng chí Cù Thị Hậu, đoàn đại biểu khối dân vận các cơ quan TW đề nghị: Đảng cần có ngay chiến lược tổng thể, toàn diện xây dựng, phát huy vai trò giai cấp công nhân trong giai đoạn mới. Lãnh đạo Nhà nước xây dựng và thực hiện có hiệu quả một chương trình phát triển của quốc gia đối với giai cấp công nhân. Tập trung đầu tư thích đáng cả về vật chất lẫn tinh thần, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo các vấn đề xã hội. Đặc biệt quan tâm lãnh đạo hoàn thiện chính sách nhà ở, quyết liệt hơn, có cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ về nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, những gia đình công nhân nghèo và có chính sách huy động các nhà đầu tư xây dựng khu tập thể cho công nhân thuê nhằm bảo đảm cho công nhân có nơi ở, có môi trường sống lành mạnh. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, bảo hộ lao động, các chính sách bảo hiểm cho công nhân, chú trọng chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng chống chống có hiệu quả tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp...

Ông Phùng Hữu Phú, đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đóng góp về xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ, có cơ cấu hợp lý và có chất lượng để đáp ứng yêu cầu mới. Ông nhất mạnh: Khâu quan trọng hàng đầu trong qui trình công tác cán bộ là phải đánh giá đúng cán bộ - khâu phức tạp, nhạy cảm và quan trọng nhất, đặc biệt trong bối cảnh sự tác động nhiều chiều, dữ dội của mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập và sự phá hoại của các thế lực thù địch cùng những phần tử cơ hội, bất mãn. Làm sao để không lẫn lộn vàng thau, không để lọt những phần tử thoái hóa, biến chất vào đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp ngành, đồng thời phải làm sao để không bỏ sót và bảo vệ được những cán bộ có đức, có tài, tránh sự lãng phí cán bộ và sự oan khiên của cán bộ. Điều này đòi hỏi công tác đánh giá cán bộ phải thực sự dân chủ, công khai, minh bạch, đồng thời đòi hỏi lãnh đạo cấp trên và cơ quan tham mưu về công tác tổ chức phải tiếp cận và xử lý đúng đắn các kênh thông tin chuẩn xác. Cần quan tâm nhiều hơn đến cơ chế phát hiện cán bộ có đức, có tài để qui hoạch, đào tạo, bố trí một cách chính xác và hiệu quả. Để đảm bảo sự trong sạch và sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, rất cần thiết phải bổ sung vào qui trình công tác cán bộ 2 khâu quan trọng là quản lý, giám sát và sàng lọc cán bộ.

Chủ động hội nhập và tăng tốc phát triển là tham luận của ông Hứa Ngọc Thuận, đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, trong đó nêu bật về nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế và mục tiêu, chính sách. Ông Thuận cho rằng: phải chủ động về mọi mặt, quán triệt tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân về ý nghĩa của hội nhập kinh tế quốc tế và thấy trước quá trình hội nhập sẽ tạo ra nhiều cơ hội, vận hội mới, song không ít thách thức khó khăn.

Phản ánh những bất cập hiện nay, đại biểu Phạm Thế Duyệt, đoàn đại biểu khối dân vận các cơ quan TW đề nghị: Toàn thể cán bộ, đảng viên từ TW đến cơ sở cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội II của Đảng (1951): "Nhiệm vụ chủ yếu của Đảng ta, xét cho cùng , có thể tóm tắt trong 8 chữ: " Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc". Do đó, cần làm cho các cấp ủy Đảng, mọi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân trong thời điểm hiện nay là vấn đề sống còn của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Muốn đoàn kết được toàn dân, trước hết phải củng cố sự đoàn kết, thống nhất và vững mạnh trong toàn Đảng, trong từng tổ chức Đảng; phấn đấu để từng đảng viên, từng tổ chức Đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông Duyệt nhấn mạnh: Đảng ta phải kiên trì thực hiện và thực hiện tốt hơn, quyết liệt hơn, có hiệu quả hơn cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng để tổ chức Đảng ở tất cả các cấp thực sự trong sạch và vững mạnh. Phải thực hiện đến nơi, đến chốn những chính sách đã ban hành về đại đoàn kết toàn dân tộc, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, trọng dụng người tài. Muốn dân chủ được thực thi, dưới sự lãnh đạo của Đảng cần phải có sự giám sát chặt chẽ các hoạt động của cơ quan Nhà nước, của đại biểu dân cử do MTTQ và đặc biệt là do mọi người dân tiến hành.. Trước mắt, các cấp ủy Đảng cần lãnh đạo và có cơ chế để Mặt trận thực hiện có hiệu quả các hoạt động thanh tra nhân dân, giám sát nhân dân và phản biện xã hội.

Về phát huy nội lực, ra sức khai thác ngoại lực, đồng chí Nguyễn Dy Niên, đoàn Đại biểu khối đối ngoại TW cho rằng: "Bài học về phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, kết hợp với sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại" là bài học có ý nghĩa quan trọng đối với cách mạng nước ta. Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội X đề ra, ngoại giao tiếp tục là một mặt trận quan trọng, là cầu nối kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo môi trường quốc tế thuận lợi hơn nữa và tranh thủ tốt hơn nữa sự hợp tác quốc tế phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước. Hoạt động đối ngoại phải được tiến hành trong mối quan hệ hữu cơ và biện chứng giữa thế và lực của đất nước; giữa phát triển đất nước với hội nhập quốc tế. Do vậy, trong khi đẩy mạnh chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chúng ta cần chú trọng hơn đến trọng tâm, trọng điểm.

Về nhiệm vụ củng cố quốc phòng do đồng chí Phùng Quang Thanh trình bày đã nêu về tư duy và nhận thức, thực tiễn về quốc phòng trong tình hình mới.

"Thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách hành chính" là tham luận của Ban cán sự Đảng Chính phủ do đồng chí Đỗ Quang Trung trình bày đã nêu bật việc sau 5 năm thực hiện công cuộc cải cách hành chính đã góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, đặc biệt là xây dựng khung khổ pháp lý cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Điển hình là cải cách hành chính đã góp phần mở rộng dân chủ hóa đời sống xã hội, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Tuy vậy, những kết quả đã đạt được chưa đáp ứng yêu cầu. Cải cách hành chính còn chậm, hiệu quả thấp. Hệ thống thể chế cải cách hành chính còn nhiều bất cập, yếu kém và tiêu cực ấy làm giảm lòng tin của dân đối với cơ quan hành chính nhà nước...

Trong thời gian tới, muốn làm rõ chức năng của bộ máy hành chính, của người đứng đầu cơ quan hành chính cần phải có những cải cách phù hợp của tổ chức đảng, đoàn thể chính trị xã hội. Tổ chức đảng phải làm đúng vai trò lãnh đạo sẽ tạo điều kiện để cơ quan hành chính phát huy hết trách nhiệm trong quản lý nhà nước, cả về công việc cũng như nhân sự. Cải cách hành chính phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị, trong đó rất quan trọng là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đâyđiều hết sức lưu tâm trong quá trình đổi mới. Phải có sự chuyển biến thực sự trong nhận thức của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan hành chính về đẩy mạnh cải cách hành chính, thông qua đó tạo diều kiện cho người dân, doanh nghiệp làm ăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội...

Đại biểu đoàn Đắc Lắc, ông Niê Thuật tham luận cần phải tiếp tục tăng cường đoàn kết dân tộc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân có ý nghĩa chiến lược to lớn và có tầm quan trọng đặc biệt của quá trình CNH, HDH đất nước trong những năm tới. Đại biểu Vũ Ngọc Kỳ, Chủ tịch Hội Nông dân cho rằng: Để thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng tôi thấy cần phải giải quyết một cách đồng bộ và tổng thể nhiều mối quan hệ, các giải pháp tích cực ở mức cao cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Cần làm tốt và có chất lượng công tác rà soát quy hoạch tổng thể và từng vùng để xác định việc phát triển sản xuất các cây trồng vật nuôi phù hợp với xu thế của thị trường trong nước và thế giới. Trên cơ sở quy hoạch đó đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo hướng xuất khẩu. Xác định tập đoàn cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lương thực, cây dược liệu, nguyên liệu giấy sợi, cũng như các con gia súc, thủy hải sản ở từng vùng, nhằm phát huy lợi thế so sánh cũng như gắn với truyền thống sản xuất của nông dân. Đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu gắn với xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, tập trung cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh nhằm hội nhập với thị trường trong khu vực và thế giới. Gắn giữa sản xuất với công nghiệp chế biến vừa và nhỏ nhưng hiện đại thích ứng với quy mô từng vùng nguyên liệu và các sản phẩm của nông dân. Tiến đến giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp cùng chung vốn cổ phần để mở rộng sản xuất và chia phần lãi thu được đôi bên cùng có lợi. Tổ chức thực hiện tốt việc liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học) trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. (TTXVN)

Tin xem nhiều