(ĐN) - Theo báo cáo của Khu du lịch (KDL) sinh thái Vườn Xoài (thành phố Biên Hòa), hiện động vật hoang dã nuôi tại đây có 68 loài với 748 cá thể, đều có đủ hồ sơ nguồn gốc nhập khẩu, sinh sản tại vườn thú và trao đổi chuyển giao.
Lực lượng thú y tỉnh khảo sát, kiểm tra khu nuôi nhốt tại Khu du lịch Vườn Xoài sau khi xảy ra vụ việc hàng loạt hổ chết do dịch cúm A/H5N1. Ảnh: B.Nguyên |
Trong đó, số cá thể hổ còn sống là 22 và cá thể báo là 1. Các loài động vật khác mẫn cảm với bệnh cúm gia cầm A/H5N1gồm: gà lôi trắng có 36 con, công Việt Nam có 27 con, công Ấn Độ có 15 con, vẹt có 15 con, hồng hạc có 18 con, gà lôi hông tía có 1 con, vịt uyên ương có 30 con, trĩ bảy màu có 38 con, trĩ vàng có 23 con, trĩ xanh có 15 con, trĩ đỏ có 24 con.
KDL còn có khu nuôi 304 con gà cách khu vực nuôi hổ khoảng 20m. Ngoài ra, khu vực này còn nuôi chim bồ câu thả bay tự do và rất nhiều loài chim hoang dã cũng về đây sinh sống.
Khu du lịch Vườn Xoài thu hút khá đông chim nuôi ở ngoài trời, chim hoang dã đều là loài có nguy cơ cao lây nhiễm cúm gia cầm. Ảnh: B.Nguyên |
Vụ việc 20 con hổ, 1 con báo tại KDL chết do nhiễm cúm A/H5N1 đến nay vẫn chưa xác định rõ nguồn lây là từ nguồn thịt gà làm thực phẩm cho thú hay từ các loại gia cầm, chim trời...
Để tìm ra nguồn lây, cơ quan chức năng sẽ truy xuất nguồn gốc thức ăn, lấy mẫu giám sát cúm A/H5N1 đối với các vật nuôi xung quanh ổ dịch, nhất là với các loài cầm.
Làm việc tại Khu du lịch vườn xoài ngày 3-10, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Nguyễn Trường Giang yêu cầu khu du lịch thực hiện nghiêm các giải pháp phòng dịch cúm gia cầm. Ảnh: B.Nguyên |
Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh đã tổ chức lấy thêm 5 mẫu hổ và 1 mẫu báo gửi đến Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương xét nghiệm xác minh cúm A/H5N1 có lây đa loài hay không. Tổng số 20 con hổ và 1 con báo với trọng lượng hơn 1,6 tấn đã bị tiêu hủy nhằm hạn chế dịch cúm A/H5N1 lây lan sang các loài mẫn cảm khác.
Chi cục Chăn nuôi và thú y cũng có văn bản yêu cầu KDL Vườn Xoài tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh đối với các cá thể báo và hổ còn lại trong đàn, tổ chức nuôi cách ly con bệnh và báo cáo ngay cho Chi cục Kiểm lâm và cơ quan thú y địa phương khi phát hiện trường hợp động vật hoang dã mắc bệnh, nghi mắc bệnh chết và tiếp tục phối hợp lấy mẫu xác định nguyên nhân.
KDL cần thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng liên tục hàng ngày; không nhập, xuất động vật ra vào toàn bộ khu nuôi có hổ và báo bệnh chết. Hạn chế cho người tiếp xúc với động vật tại công ty trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Người chăm sóc động vật phải được trang bị đầy đủ bảo hộ đảm bảo không bị lây nhiễm dịch bệnh.
Đặc biệt, KDL tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu giám sát các đối tượng nghi nhiễm, tổ chức tiêm phòng cúm gia cầm cho động vật mẫn cảm. Cụ thể, tổ chức lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm A/H5N1 trên tất cả các đối tượng mẫn cảm (loài cầm) tại KDL. Tổ chức tiêm phòng vaccine phòng bệnh cúm gia cầm A/H5N1 cho toàn bộ các loài cầm tại KDL. Tiếp tục truy xuất nguồn gốc gà sử dụng cho thú ăn.
Cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm do virus cúm chủng H5N1 gây ra; có khả năng lây nhiễm cao ở các loài chim và gia cầm. Cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người. Khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%. Hầu hết tất cả các trường hợp nhiễm H5N1 ở người đều có liên quan đến việc tiếp xúc gần với gia cầm sống hoặc chết bị nhiễm bệnh hoặc môi trường bị nhiễm mầm bệnh. Càng nguy hiểm hơn là hiện nay, bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin