Báo Đồng Nai điện tử
En

[Chùm ảnh] Ngắm toàn cảnh từ trên cao vẻ đẹp của 11 cây cầu bắc qua sông Đồng Nai

Uyên Thư
16:39, 04/10/2024

Sông Đồng Nai bắt nguồn từ Lâm Đồng, chảy qua Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh rồi đổ ra biển. Dòng sông ấy bắt đầu chảy vào tỉnh Đồng Nai ở xã Đăk Lua, huyện Tân Phú và kết thúc ở huyện Nhơn Trạch đã ghi dấu biết bao cây cầu nối nhịp của cư dân đôi bờ. Mỗi cây cầu đều gắn với lịch sử vùng đất mà nó hình thành.

Đồng Nai là tỉnh có vị trí địa lý chiến lược của vùng Đông Nam Bộ; đầu mối giao thông quan trọng, là cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, duyên hải miền Trung.

Ngoài hệ thống giao thông đường bộ cũng như tuyến đường sắt Bắc - Nam thì Đồng Nai cũng có hệ thống giao thông đường thủy đa dạng và phát triển. Trong đó, các cây cầu quan trọng như: cầu Đồng Nai (quốc lộ 1), cầu Long Thành (đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây), cầu An Hảo, cầu Hóa An... đã góp phần giúp hoạt động vận tải trở nên thuận lợi, thông suốt.

Mới đây, cầu Bạch Đằng 2 nối Đồng Nai với Bình Dương đưa vào hoạt động giúp hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai và toàn vùng.

Cùng ngắm toàn cảnh trên cao 11 cây cầu bắc qua Đồng Nai.

Cầu Đắc Lua nối xã này với huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng được xây dựng từ tháng 8-2015 và khánh thành đầu năm 2017 có ý nghĩa quan trọng của người dân xã Đăk Lua, xã cách trung tâm luyện lỵ Tân Phú chừng 80km. Cầu dài 362m, trong đó phần cầu chính chiều dài cầu 157 m được xây dựng bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu với 5 nhịp, chiều rộng 9,5m cho 2 làn xe lưu thông với vốn đầu tư gần 60 tỷ đồng. Cây cầu đi vào hoạt động đã giúp Đăk Lua "mở cửa" trong giao thương hàng hóa nông sản, không còn "qua sông lụy đò" nguy hiểm, đặc biệt là mùa mưa lũ. Ảnh: Uyên Thư 
Sau sự cố đứt cầu treo Tà Lài năm 2016, UBND huyện Tân Phú đã xây dựng cầu mới Tà Lài bằng bê tông vĩnh cửu hai năm sau đó với kinh phí hơn 77 tỷ đồng. Đầu năm 2019, cầu được khánh thành dài hơn 174m, gồm 5 nhịp, chiều rộng cầu là 8m với 2 làn xe, có tải trọng 30 tấn. Ảnh: Cao Tuấn
Năm 2016, cầu treo Thanh Sơn được đầu tư xây dựng với quy mô nhỏ, chỉ lưu thông xe máy và ôtô có tải trọng dưới 2 tấn. Hầu hết hàng hóa người dân phải dùng phà để vận chuyển khiến chi phí đội lên cao. Đầu tháng 10-2024, cầu treo này đóng lại nhằm đảm bảo an toàn, hoàn thành sứ mệnh gần 10 năm nối nhịp cầu 2 bờ sông. Ảnh: Uyên Thư
Sau hơn 30 năm "lụy phà", cầu Thanh Sơn nối xã Ngọc Định và Thanh Sơn, huyện Định Quán dài 200m gồm 6 nhịp dầm bêtông cốt thép; khổ cầu rộng 9m, mặt cầu rộng 7m, vận tốc lưu thông thiết kế đạt 60km/h với tổng kinh phí 138 tỷ đồng được khánh thành cuối năm 2021. Cầu nằm cách cầu treo chừng 800m về phía hạ lưu, có ý nghĩa vô cùng quan trọng thay thế cầu treo, giúp Thanh Sơn xóa biệt danh "ốc đảo", phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Uyên Thư 
Cầu Thủ Biên là cây cầu thứ 2 bắc qua sông Đồng Nai nối Bình Dương và Đồng Nai sau cầu Đồng Nai. Cầu nằm cách thành phố Biên Hòa chừng 20km về phía thượng nguồn, nối huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương và Vĩnh Cửu được xây dựng năm 2007 và hoàn thành 3 năm sau đó. Cầu Thủ Biên có chiều dài 511 m với 9 nhịp, trong đó 3 nhịp chính dài 270m. Chiều rộng của cầu là 17 m, gồm bốn làn xe. Theo quy hoạch, cầu chính là nhịp nối đường Vành đai 4 của 2 tỉnh sắp chuẩn bị triển khai. Ảnh: Uyên Thư
Cầu Bạch Đằng 2 nối thành phố Tân Uyên và huyện Vĩnh Cửu vừa đưa vào hoạt động tháng 9 vừa qua với vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Cầu gồm phần cầu và đường dẫn 2 đầu cầu với tổng chiều dài gần 3km; trong đó, riêng phần cầu dài hơn 400m, rộng 17m với 4 làn xe. Cầu Bạch Đằng 2 có ý nghĩa rất quan trọng, ngoài trực tiếp kết nối giao thông giữa Đồng Nai và Bình Dương, giúp kết nối thông suốt các địa phương vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với sân bay Long Thành, cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Uyên Thư 
Cầu Hóa An nằm trên trục đường Nguyễn Ái Quốc và Quốc lộ 1K được xây dựng năm 1973. Đến năm 2014, cầu mới Hóa An được đưa vào hoạt động cách cầu cũ 4m về hạ lưu sông, dài hơn 1,3km, rộng 16,5m với ba làn xe cơ giới, một làn xe hỗn hợp và một hầm chui dưới cầu. Bề rộng hầm chui 10m, chiều cao 3,2m và dài 330m với hơn 1.174 tỷ đồng. Ảnh: Uyên Thư 
Cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát được xây dựng đầu thế kỷ XX, được đưa vào sử dụng vào năm 1904 giành cho đường sắt và đường bộ. Đây được xem là cây cầu đầu tiên bắc qua dòng sông Đồng Nai. Năm 2015, cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập, một cây cầu mới với 3 nhịp được xây lên, hiện chỉ còn cho xe máy qua lại. Ảnh: Uyên Thư 
Năm 2011, sau khi xảy ra tai nạn trên cầu Ghềnh giữa xe lửa và ôtô vào mùng 4 Tết, Chính phủ có chủ trương cấm ôtô qua cầu, đồng thời xây dựng cây cầu Bửu Hòa thay thế cách cầu Ghềnh chừng 800m về phía hạ lưu. Cầu được khánh thành tháng 4-2013 với chiều dài 493m, mặt cầu rộng 18m, 4 làn xe. Trong đó độ dài toàn tuyến (kể cả đường dẫn vào cầu) khoảng 1,5km, với tổng vốn xây dựng cầu là gần 580 tỷ đồng. Ảnh: Uyên Thư 
Cầu Đồng Nai nằm trên quốc lộ 1 được xây dựng năm 1964 nối thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương dài gần 500m, được thiết kế phần xe chạy 16m với 4 làn xe, lề dành cho người đi bộ hai bên rộng 3,6m. Cuối năm 2009, cầu Đồng Nai mới khánh thành sau 18 tháng thi công nằm cách cầu cũ 3m phía thượng nguồn. Cầu dài 461,6m, rộng 20m, có 5 làn xe lưu thông. Khi cầu này hoạt động, đã cho xe lưu thông một chiều hướng từ thành phố Biên Hòa về Thành phố Hồ Chí Minh và cầu Đồng Nai cũ lưu thông hướng từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Biên Hòa. Ảnh: Uyên Thư 
Cầu Long Thành nằm trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Cầu nối thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh với huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.100m, trong đó phần cầu dài 2.346m (phần còn lại là đường dẫn vào cầu), rộng 19,7m. Cầu được thiết kế cho 4 làn xe lưu thông với vận tốc thiết kế 100km/h, thông xe cùng đoạn đường Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành vào tháng 1-2014. Ảnh: Uyên Thư 

Uyên Thư

Tin xem nhiều
Thi công lưới an toàn Việt Anh