Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuổi kết hôn lần đầu của người Việt là 27,2 tuổi

Hạnh Dung
17:55, 29/08/2024

(ĐN)- Mức sinh thấp đang là vấn đề đáng lo ngại của không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển. Một khi mức sinh xuống thấp sẽ rất khó để khắc phục và ảnh hưởng lớn đến chất lượng dân số trong tương lai.
 

Bác sĩ siêu âm thai cho một sản phụ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: H.Dung
Bác sĩ siêu âm thai cho một sản phụ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: H.Dung

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, tại Hội thảo quốc tế Tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp do Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp tổ chức tại Hà Nội mới đây, các đại biểu, chuyên gia đã trình bày bức tranh toàn cảnh về dân số thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Theo đó, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… đã tìm nhiều giải pháp để nâng mức sinh nhưng đến nay chưa có biện pháp nào khả thi. Việt Nam cũng đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có động viên, khen thưởng những phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi; khen thưởng các địa phương làm tốt công tác dân số.

Đồng Nai là một trong 21 địa phương trong cả nước đang có mức sinh thấp. Dự kiến đến cuối năm nay, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về hỗ trợ những cá nhân, tập thể làm tốt công tác dân số.

Thông tin từ Cục Dân số (Bộ Y tế), kết hôn muộn và ngại sinh nhiều con đang là tình trạng chung của nhiều người trẻ. Theo đó, tuổi kết hôn lần đầu tại Việt Nam liên tục tăng trong các năm qua. Năm 1999, tuổi trung bình kết hôn lần đầu là 24,1 tuổi, sau đó tăng lên 25,2 tuổi vào năm 2019. Đến năm 2023, tuổi trung bình kết hôn lần đầu của người Việt là 27,2 tuổi (trong đó, nam giới là 29,3 tuổi và nữ giới là 25,1 tuổi).

Mô hình sinh muộn và sinh ít con hơn ở nhóm tuổi 25-29 vẫn duy trì liên tục từ năm 2009-2019. Phụ nữ thành thị sinh muộn và ít con hơn phụ nữ nông thôn.

Cụ thể, tại khu vực thành thị, mức sinh cao nhất là nhóm phụ nữ 25-29 tuổi, với 127 trẻ/1 ngàn phụ nữ, thấp hơn mức sinh thay thế (2,1 con/mẹ). Tại khu vực nông thôn, mức sinh cao nhất là nhóm 20-24 tuổi với 147 trẻ/1 ngàn phụ nữ.

Cục Dân số đánh giá, có 4 nhóm nguyên nhân tác động mức sinh thấp, đó là: học vấn; điều kiện sống được cải thiện, tâm lý thích hưởng thụ cuộc sống; áp lực kinh tế, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con; tình trạng nạo phá thai và tỷ lệ vô sinh xu hướng tăng.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều